Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cao Bằng cần đầu tư phát triển du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu

(Banker.vn) Chiều 16/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gia đình chính sách tại Phú Yên

Dự buổi làm việc lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Cao Bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp và đạt những kết quả nổi bật.

GRDP tăng 5,04%, quy mô kinh tế 22.100 tỷ đồng. GRDP bình quân đạt 40,2 triệu đồng/người/năm, tăng 8,2% so năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bằng 106% năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, tiêu chí bình quân đạt 11,63 tiêu chí/xã, tăng 0,56 tiêu chí.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đánh giá tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Cao Bằng; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Cao Bằng phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế vùng biên, cửa khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cao Bằng cần đầu tư phát triển du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” biên cương phía Bắc của Tổ quốc; có nền văn hóa đặc sắc của 27 dân tộc anh em. Nhiều di tích lịch sử, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt. Nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm.

Tỉnh có thiên nhiên hùng vĩ, bao la, núi rừng hoang sơ; dân số tuy ít nhưng người Cao Bằng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, giàu truyền thống yêu nước là điểm tựa vững chắc để xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cao Bằng đã đạt được, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thực hiện xóa nhà tạm bợ, dột nát.

Thủ tướng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; năng lực cạnh tranh thấp. Đời sống của một bộ phận người còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 30,7%...

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra.

Tỉnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc; tăng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế, nhất là giống cây ăn quả đặc sản địa phương và cây dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu; chú trọng phát triển chế biến gỗ gắn với phát triển, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Theo Thủ tướng, tỉnh Cao Bằng cần phát huy, nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thu hút các ngành công nghiệp mới; chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cao Bằng cần đầu tư phát triển du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tỉnh cần đầu tư phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với hình thành các tuyến, cụm du lịch.

Thủ tướng lưu ý, Cao Bằng cần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để nâng cao khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm địa phương.

“Tỉnh phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Cao Bằng phải thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Là tỉnh có đường biên giới dài, hiểm trở, Thủ tướng đề nghị Cao Bằng phải bảo đảm quốc phòng, quản lý chặt chẽ biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Cao Bằng giải quyết. Riêng về đầu tư hạ tầng, các bộ, ngành và tỉnh cân nhắc, tập trung bố trí vốn cho tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau đó mới tính đến các dự án khác.

www.qdnd.vn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục