Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát dưới 3%. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ. Ảnh: VGP |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, xuất siêu 9,4 tỷ USD; xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Trên 178.000 doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động; an ninh năng lượng, lương thực được cơ bản bảo đảm; thị trường lao động phục hồi.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ. Đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lao động và gần 800.000 người sử dụng lao động.
Dự báo năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng nêu rõ, việc xác định nhiệm vụ phải sát với tình hình. Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
"Nhu cầu phát triển tăng lên, yêu cầu, mong muốn của người dân cao hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn", Thủ tướng nói. Trong khi đó, nhiều trường hợp đột xuất, bất ngờ ập đến, không thể dự báo trước, nhưng chúng ta đã bình tĩnh ứng phó một cách phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, tạo hành lang pháp lý, quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn, tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.
Đồng thời, khuyến khích các thị trường phát triển theo đúng quy luật thị trường, đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng.
Thủ tướng cũng cho biết về các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn như đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác công tư, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (hiện đang nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng). Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khoá và các chính sách khác một cách chặt chẽ, hợp lý, an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.
"Các chính sách phải được phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, cái này hỗ trợ cái kia", Thủ tướng nói. Tình hình thế giới biến đổi khó lường, nền kinh tế có độ mở cao, sức chống chịu có hạn nên các chính sách phải thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, không cứng nhắc, không điều hành giật cục.
Cùng với việc giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp thì điều hành chính sách để đưa tiền vào hay rút tiền ra khỏi thị trường một cách phù hợp, làm sao đồng tiền đưa ra đúng, trúng vào động lực tăng trưởng: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Các chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm tỷ giá, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Thủ tướng cũng cho biết, vừa thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.
Hoàng Hà (t/h)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|