Thủ tướng: Ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế, vượt qua thách thức

(Banker.vn) Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Song ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54-55 tỷ USD.

Thủ tướng: Ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế, vượt qua thách thức
Sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000 ha

Để hoàn thành mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm gồm: tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, năm 2023, vai trò trụ đỡ ngành nông nghiệp với nền kinh tế, cũng là thế mạnh đóng góp vào đối ngoại tiếp tục được khẳng định. Theo ông, trong các cuộc công cán của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, các nước trên thế giới đều bày tỏ sự tin cậy, ngưỡng mộ với những gì Việt Nam làm được trong nông nghiệp.

“Nhiều nước gặp khó khăn về an ninh lương thực, có cả các nước trong khu vực, đã đề nghị Thủ tướng ký hiệp định khung về xuất khẩu lương thực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Thời gian tới, ông Sơn đề nghị củng cố các thị trường trọng tâm như Mỹ, ASEAN, các thị trường mới nổi như Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi. Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong các vấn đề thủ tục, chính sách, kết nối thị trường.

Một trong những kênh đối ngoại rất tốt là quà tặng ngoại giao bằng nông sản, ông Sơn gợi mở. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT trong việc xâm nhập thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế.

Thủ tướng: Ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế, vượt qua thách thức
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại

Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

Bàn về vai trò đảm bảo an ninh lương thực của ngành nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ – đây là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong Top 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000 ha.

Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người.

“Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành. Đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tới chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tưởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.

Cùng với đó, việc mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.

Bộ NN-PTNT cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị với cơ quan đại diện, thương vụ ở nước ngoài, triển khai thương mại biên giới, đặc biệt với Trung Quốc; xây dựng đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.

Bên cạnh đó, thích ứng linh hoạt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thông qua sàn thương mại điện tử, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản; làm việc với doanh nghiệp, thị trường bên ngoài để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để tiếp cận thị trường tốt hơn.

Samsung Galaxy Z Flip5 giảm sốc chào năm mới: Anh em ví mỏng chốt đơn mỏi tay

Samsung Galaxy Z Flip5 theo đuổi phong cách gập độc đáo, thứ đã trở thành thương hiệu của dòng sản phẩm "Z Flip". Điện thoại ...

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam năm 2024 ở mức 6%

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam vào năm 2024 ở mức 6%, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN trong bối ...

Bộ Tài chính: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt 73,5% kế hoạch

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết, kết quả giải ngân 12 tháng ước đạt 73,5% tổng kế ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục