Thủ tướng 'lệnh' xử lý dứt điểm dự án Thủy điện Hồi Xuân do chậm tiến độ nhiều năm

(Banker.vn) Ngày 6/3/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản 1391/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin báo chí nêu liên quan đến chậm tiến độ của Thủy điện Hồi Xuân tại Thanh Hóa làm ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân lân cận.

Dân miền núi xứ Thanh khổ sở vì quy hoạch hàng chục thủy điện trên thượng nguồn sông suối

Thủy điện nghìn tỷ Hồi Xuân hơn 10 năm xây dựng vẫn chưa thể "hồi xuân"

Chủ đầu tư Thủy điện Hồi Xuân xin tạm hoãn thanh tra để tập trung hoàn thiện nhà máy

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra xem xét dự án Thủy điện Hồi Xuân và chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Dự án thủy điện Hồi Xuân, Quan Hóa (Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng được khởi công vào tháng 3/2010, nhưng đến nay vẫn dang dở, bỏ hoang mặc dù đã hoàn thành đạt 93% khối lượng công việc và qua nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư. Hiện nay Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO là chủ đẩu tư.

Theo mục tiêu ban đầu thì tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, chặn dòng lần 2 cuối năm 2013 và đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm.

Chủ đầu tư ban đầu là Tổng công ty CP xây dựng điện Việt Nam. Đến năm 2014 dự án được chuyển giao cho Công ty Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông. Từ năm 2019 đến nay, dự án này phải dừng thi công. Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu vốn, chưa đền bù cho hàng trăm hộ dân.

Dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng trực tiếp đến 655ha đất canh tác trong vùng lòng hồ, hàng ngàn hộ dân bị tác động, trong đó có khoảng 500 hộ phải tái định cư đến nơi ở mới. Đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm, dự án bị bỏ hoang, thi công dang dở, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm dự án thủy điện hơn 3.000 tỷ đồng ở Thanh Hóa chậm tiến độ
Nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, sắt thép hoen gỉ do mưa nắng

Trước đó, chiều ngày 12/12/2022 ông Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 đã công bố Quyết định số 469/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra 03 dự án tại tỉnh Thanh Hóa gồm: FLC Sầm Sơn Golf Links, dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC, dự án Thủy điện Hồi Xuân.

Tuy nhiên, ngay sau đó Công ty CP Đầu tư và Xây dựng thủy điện Hồi Xuân VNECO - chủ đầu tư dự án đã có văn bản gửi Thanh tra Chính Phủ, Bộ tài chính, UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn thời gian thanh tra để doanh nghiệp tập trung hoàn thành nhà máy, trả xong phần vay từ quỹ tích lũy trả nợ.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 15/2, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra thực tế tại dự án thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Qua đó, yêu cầu lãnh đạo Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân VNECO cần giải quyết được các đề xuất, kiến nghị của huyện Quan Hóa. Cùng với đó, phối hợp với huyện Quan Hóa để xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định cụ thể phần việc có đầu việc, có thời gian, có điều kiện đảm bảo và thực hiện công tác tái định cư cho bà con Nhân dân.

Theo tìm hiểu, Dự án Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm 3 tổ máy có sản xuất lượng điện trung bình 432,61 triệu kWh/năm, doanh thu dự kiến đạt khoảng 269,75 tỷ đồng. Tháng 6/2007, dự án được chuyển giao từ Ban quản lý dự án 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) sang Công ty Thủy điện Hồi Xuân - Vneco, thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) để thực hiện.

Tháng 3/2010, dự án được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành phát điện vào cuối năm 2014. Theo kế hoạch, vào tháng 10/2012, Thủy điện Hồi Xuân chặn dòng lần 1, tháng 10/2013 chặn dòng lần 2, tháng 7/2014 tích nước hồ chứa và tháng 9/2014 phát điện tổ máy số 1. Tuy nhiên, do không đủ năng lực tài chính, đơn vị này phải dừng thi công.

Năm 2015, dự án được chuyển giao cho Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê kong) và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs ( Mỹ).

Đến năm 2016, dự án này được thi công trở lại, tuy nhiên, từ khoảng năm 2019 đến nay, dự án này “án binh bất động”. Đã nhiều lần UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn không có tiến triển. Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu vốn. Tình trạng ì ạch của dự án hơn 10 năm qua khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc.

Nhật Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục