Ngày 3/3, tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiêu biểu, sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn bên cạnh các DNNN, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển DNNN nhanh, bền vững, đúng hướng, góp phần thực hiện chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế, trong đó DNNN đóng vai trò tiên phong, nòng cốt.
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2023 có nhiều khó khăn, nhưng tổng doanh thu của các DNNN đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách nhà nước ước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Cùng với đó, các DNNN tiếp tục nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động.
Ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản duy trì ổn định nhưng Thủ tướng nêu rõ vẫn có một số doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có doanh nghiệp có quy mô lớn, vai trò quan trọng.
"Các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả", Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ của các DNNN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Tỷ trọng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là những ngành mới như sản xuất năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên, chưa có những dự án đầu tư phát triển với quy mô lớn,...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý. DNNN chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt. Một trong những nguyên nhân là do tâm lý còn sợ sai, sợ trách nhiệm, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh, các DNNN phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới, thắng lợi mới, quan trọng là phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, phát triển chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Đồng thời, các DNNN cần rà soát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính.
Thủ tướng cũng lưu ý phải đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, khơi thông nguồn lực DNNN ngang tầm chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư xã hội, huy động nguồn lực của xã hội.
"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.
Về phía các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tích cực vào cuộc, phát huy, nhân lên các mô hình tốt; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các DNNN.
Hoàng Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|