Thủ tướng dự WEF 2024 và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc

(Banker.vn) Việc Thủ tướng dự WEF Đại Liên là cơ hội để quảng bá thành tựu tăng trưởng kinh tế; truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, nhiều sức hút.
Quảng bá du lịch Hải Nam (Trung Quốc) tại Hà Nội Thủ tướng dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF và làm việc tại Trung Quốc Sầu riêng Việt thêm đối thủ tại thị trường Trung Quốc

Từ ngày 24 - 27/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) và làm việc tại Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Đại Liên (Trung Quốc), Đoàn Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...

Tại Đại Liên (Trung Quốc), bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng liên tiếp có các buổi làm việc, trao đổi song phương với các bộ, đơn vị đối tác.

Trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng, chia sẻ với báo chí về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít Người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp. Điều đó thể hiện WEF và Trung Quốc hết sức coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai.

Thủ tướng dự WEF 2024 và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Đại Liên năm 2024. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Cơ hội để quảng bá về một Việt Nam năng động, đổi mới, nhiều sức hút

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhấn mạnh, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị WEF Đại Liên năm nay có nhiều ý nghĩa quan trọng. Trước hết, Hội nghị là dịp để Việt Nam nắm bắt và đóng góp tiếng nói trong những vấn đề, xu thế mới, nội hàm mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển, quản trị ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Không chỉ vậy, Hội nghị WEF còn là cơ hội để quảng bá thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Hai năm liên tiếp, Việt Nam được mời tham gia Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, do vậy, đây là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước và đối tác, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của nước ta đối với cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thủ tướng dự WEF 2024 và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc
Một góc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Nguồn: china-briefing)

Hội nghị WEF Đại Liên được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27/62024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, Trung Quốc với sự tham gia của 1.500 đại biểu cấp cao, bao gồm lãnh đạo và quan chức cao cấp của chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn/công ty, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Đây là Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 do WEF tổ chức, đứng thứ 2 về quy mô (sau WEF thường niên tại Davos, Thụy Sỹ). Hội nghị năm nay có chủ đề “Không gian tiếp theo cho Tăng trưởng” (Next Frontiers for Growth).

Hội nghị tập trung vào 6 nội dung chính: Nền kinh tế toàn cầu mới; Trung Quốc và thế giới; Doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; Không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp; Đầu tư vào con người; Kết nối khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.

Cùng với sự tham dự Hội nghị, trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến song phương với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Trong bối cảnh hai bên thời gian qua nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam - Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, việc hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hoá nhận thức chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai bên. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước.

Việt Nam sẽ có những đóng góp gì tại WEF Đại Liên 2024?

Chia sẻ thêm về một số hoạt động của Thủ tướng tại WEF Đại Liên 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chương trình hoạt động dày đặc, liên tục, cả song phương và đa phương. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ sẽ có một bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các nhà lãnh đạo các nước. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu tại các phiên thảo luận tại Hội nghị, chủ trì các cuộc đối thoại, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp dành riêng cho Việt Nam.

Với thành quả tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, sự tham gia của đoàn Việt Nam đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ góp phần rất quan trọng cho thành công chung của Hội nghị, thể hiện ở ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định và quan điểm của Việt Nam về kinh tế thế giới, những triển vọng, thời cơ, thách thức, những “bước chuyển mình lớn” của thế giới đang diễn ra, tác động đến phát triển kinh tế toàn cầu trong ngắn và dài hạn.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có vai trò của các nền kinh tế lớn của khu vực như Trung Quốc, đặc biệt là chúng ta sẽ thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công – tư trong thúc đẩy tăng trưởng, nhất là các động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ sẽ truyền tải thông điệp về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chia sẻ về tầm nhìn, chủ trương, định hướng phát triển và kinh nghiệm điều hành kinh tế vĩ mô của Đảng, Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ kêu gọi sự hợp tác, hợp lực của WEF và các đối tác, nhất là trong các ngành nghề ưu tiên cao, mới nổi, các ngành công nghiệp của tương lai, có tác động lan tỏa như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ được củng cố

Trước đó, chia sẻ về kỳ vọng vào kết quả chuyến công tác Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự WEF 2024 và công tác tại Trung Quốc, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai tái khẳng định đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm và tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc.

Điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể, nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ Việt - Trung, Đại sứ cho rằng tới đây, hai nước cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp, các kênh, trong mọi lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường rà soát, đánh giá tình hình triển khai nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất hai Đảng đạt được; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm, thực hiện việc đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

"Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới" - Đại sứ Phạm Sao Mai kỳ vọng.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương