Thủ tướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, loại bỏ cơ chế xin - cho

(Banker.vn) Thủ tướng cho rằng, nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật có cả nguyên nhân từ việc cấp trên "ôm" cả những việc cụ thể mà không phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.
Thủ tướng: Dự án Trump International Hưng Yên khẳng định niềm tin của nhà đầu tư Hoa Kỳ với Việt Nam Thủ tướng: Việt Nam luôn ưu tiên cao nhất việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển con người Thủ tướng yêu cầu tiêu chí '7 rõ' trong xây dựng luật mới

Phân cấp, phân quyền đi kèm phân bổ nguồn lực

Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thủ tướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, loại bỏ cơ chế xin - cho
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cho ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian phân tích hàng loạt ví dụ cụ thể từ thực tiễn. Nhắc lại bài học từ nhiều vụ việc khiến nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ việc cấp trên "ôm" cả những việc cụ thể mà không phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Thủ tướng lấy ví dụ việc Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý và nhấn mạnh, Bộ phải thiết kế các chính sách và phân cấp quản lý cho địa phương để cả nước có thêm hàng chục khu công nghệ cao như vậy.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền từ trên xuống dưới, đi kèm với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát. "Phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần khẳng định lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Bộ Y tế phải chủ trì, các bộ, ngành khác phải phối hợp trong công tác này, bảo đảm quản lý được nhưng đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thủ tướng đề nghị khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về thi hành Luật An toàn thực phẩm. Thủ tướng nêu rõ, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, nên Bộ Y tế phải chủ trì và phối hợp cùng các bộ, ngành.

Với đề xuất xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng cho rằng luật này nhằm chuyển từ bị động xử lý sang chủ động ngăn chặn. Thủ tướng đề xuất bổ sung các hành vi lãng phí gồm cả lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Đối với Luật Dân số, Thủ tướng nhấn mạnh cần thay đổi từ quan điểm "dân số kế hoạch hóa" sang quan điểm dân số phát triển và ứng phó già hóa dân số; có chính sách khuyến khích sinh con và phát triển con người toàn diện cả về "đức - trí - thể - mỹ".

Thủ tướng: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, loại bỏ cơ chế xin - cho
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bỏ tư duy "không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm"

Đánh giá cao các bộ, ngành đã chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật, nghiêm túc tiếp thu và giải trình, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng các bộ chủ trì tiếp tục ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Các Phó Thủ tướng cần trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Quốc hội trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật; kịp thời báo cáo Chính phủ về những vấn đề còn khác biệt để thống nhất phương án xử lý.

Thủ tướng khẳng định mục tiêu cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" thể chế trong năm 2025, bằng cách rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, đề xuất ban hành các nghị quyết xử lý vấn đề cấp bách trong khi chờ luật mới. Quá trình sửa đổi, xây dựng luật phải tuân thủ tinh thần "6 rõ" và "7 rõ", trong đó làm rõ lý do kế thừa, bổ sung, cắt giảm hay phân cấp.

"Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, nâng cao tính dự báo, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, khả thi, giá trị lâu dài", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển từ quản lý sang phục vụ, khuyến khích sáng tạo, cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi kèm phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi, loại bỏ cơ chế xin - cho và tư duy "không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm".

Thủ tướng cũng yêu cầu ưu tiên nguồn lực, chế độ đặc thù cho đội ngũ làm công tác pháp luật. Tận dụng công nghệ, dữ liệu, trợ lý ảo trong quá trình xây dựng và thi hành luật, đồng thời đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục