Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

(Banker.vn) Sáng 20/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.
Thủ tướng Chính phủ thành lập 4 Hội đồng điều phối vùng trên cả nước Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết

Trước đó sáng 18/7, tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Tại hội nghị sáng nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng, gồm các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng do Thủ tướng Chính phủ tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo một số Bộ là Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo đó, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được, đồng thời có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng
Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: VGP

Quyết định 826 về thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng đã đề ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, Quyết định 45 về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đã quy định 7 phương thức điều phối về: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Đầu tư phát triển; Đào tạo và sử dụng lao động; Xây dựng các cơ chế, chính sách; Giải quyết vấn đề liên kết vùng; Kế hoạch điều phối liên kết vùng; Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ tuần hoàn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong đó thảo luận và cho ý kiến về một số định hướng quy hoạch phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng với 3 nhóm định hướng lớn: Tổ chức không gian phát triển Vùng gắn với 4 hành lang kinh tế - 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng - 2 tiểu vùng kinh tế; Phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của Vùng; các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó phát triển kết cấu hạ tầng Vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng như: các tuyến đường bộ cao tốc liên vùng và nội vùng, tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 – Vùng Thủ đô, tuyến đường sắt tốc độ cao, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương