Thu trên 100 tỷ đồng mỗi ngày, Vietjet bất ngờ báo lỗ đậm nhất lịch sử

(Banker.vn) Thị trường hàng không phục hồi, Vietjet báo doanh thu đạt trên 39.300 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gấp 3 lần năm trước. Tuy vậy, các chi phí bất ngờ tăng vọt đã khiến hãng bay tư nhân ôm lỗ đậm.
Thu trên 100 tỷ đồng mỗi ngày, Vietjet bất ngờ báo lỗ đậm nhất lịch sử

Lũy kế cả năm, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 39.342 tỷ đồng, tương ứng thu gần 110 tỷ đồng mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với năm trước; doanh nghiệp lỗ trước thuế 1.818 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi công bố 222 tỷ đồng của năm 2021.

Mới đây, Công ty CP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, trong đó doanh thu ghi nhận 11.807 tỷ đồng, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý này, hoạt động cho thuê chuyến bay đóng góp nhiều nhất trong tổng doanh thu với 4.881 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; theo sau là doanh thu hoạt động phụ trợ với 3.037 tỷ đồng, tăng gần 20 lần; doanh thu vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế cũng đều tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn tăng vọt khiến hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam lỗ gộp 3.843 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 có lãi gộp 369 tỷ đồng. Chủ yếu là chi phí khai thác bay, "ngốn" tới 15.467 tỷ đồng, tăng 6,5 lần cùng kỳ.

Liên quan đến hoạt động tài chính, doanh thu mảng này tăng mạnh từ 122 tỷ đồng lên 2.063 tỷ đồng trong quý IV/2022; vậy nhưng, chi phí tài chính cũng tăng theo nhanh chóng, gấp 4,5 lần cùng kỳ, lên 1.352 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chi phí vận hành cũng tăng mạnh, cùng chiều với doanh số, cụ thể chi phí bán hàng tăng gấp 3, đạt 430 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 38% lên 183 tỷ đồng.

Kết quả là Vietjet lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 3.745 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 chỉ lỗ 82 tỷ đồng. Nhờ có thêm 1.618 tỷ đồng lợi nhuận khác, Vietjet giảm lỗ trước thuế xuống còn 2.126 tỷ đồng, nhưng vẫn kém tích cực hơn khoản lỗ 81,7 tỷ đồng của ba tháng cuối năm 2021.

Lũy kế cả năm, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 39.342 tỷ đồng, tương ứng thu gần 110 tỷ đồng mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với năm trước; doanh nghiệp lỗ trước thuế 1.818 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi công bố 222 tỷ đồng của năm 2021. Đây cũng là khoản lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Thời điểm hiện tại, hãng hàng không này chưa có giải trình về biến động lợi nhuận trong quý IV/2022 cũng như năm 2022.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vietjet tăng gần 15.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên 67.146 tỷ đồng. Lượng tiền mặt giữ nguyên ở mức 1.858 tỷ đồng; chủ yếu tăng ở mục tài sản cố định khi Vietjet mua thêm hơn 5.000 tỷ đồng tàu bay và các bộ phận, và hơn 4.000 tỷ đồng phải thu dài hạn khác phát sinh trong năm.

Cùng thời điểm, nợ phải trả của Vietjet tăng gấp rưỡi sau 1 năm, đứng ở mức 52.905 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ vay không biến động quá mạnh, đạt 17.480 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm; phần lớn tăng các món nợ thương mại, không mất lãi.

Đặc biệt, Vietjet còn dự trữ 3.503 tỷ đồng "của để dành", là doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn, tăng gần 10 lần so với ngày 1/1/2022.

Cuối năm 2022, Vietjet còn 9.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, vốn chủ sở hữu đạt 14.241 tỷ đồng.

Gần đây, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines công bố số liệu tài chính có nhiều điểm tương đồng với Vietjet, điển hình như doanh thu hồi phục mạnh mẽ nhưng vẫn không đủ bù đắp các chi phí, khiến lỗ ròng tiếp tục ở mức đáng báo động (lỗ trước thuế trên 10.000 tỷ đồng).

Đến hết ngày 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ đồng.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục