Thu ngân sách 6 tháng đầu năm vượt 14%

(Banker.vn) Theo báo cáo của Tổng cục thuế, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ.

Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 của ngành thuế được giao là 1.116.700 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô là 23.200 tỷ đồng; thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết là 1.093.500 tỷ đồng.

Kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ. Sản lượng dầu thô ước đạt 5 triệu tấn, bằng 62,3% dự toán, bằng 98,8% sản lượng cùng kỳ.

Thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ.

Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020.

Trong đó, một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm. Khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.  

Thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng. Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 khiến cho lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 1/2021). Do đó, số thu ngân sách từ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Hiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều khu vực trên toàn cầu với những biến chủng mới, nguy hiểm hơn, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong đó có những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam tại một số khu vực như châu Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á... Dù vậy, việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 ở trong nước từ nửa cuối năm 2020 đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh trong nước cơ bản trở lại bình thường; cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và DN của Chính phủ kịp thời, hiệu quả đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ quý IV/2020, quý I/2021.

Để hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm 2021, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai cụ thể hóa thành 9 nhiệm vụ trọng tâm và 25 nhóm giải pháp thực hiện. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, hạn chế nợ đọng thuế đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục