Thu hút vốn FDI khởi sắc

(Banker.vn) Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của nước ta.
Việt Nam thu hút gần 30 tỷ USD vốn FDI từ Hồng Kông (Trung Quốc) 6 tháng năm 2023: Đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 81,6%

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết đến hết tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

TP HCM dẫn đầu về dự án mới

Như vậy, tháng 7 là lần đầu tiên trong năm nay tổng vốn đầu tư đăng ký đã tăng so với cùng kỳ, sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, thu hút vốn FDI 6 tháng chỉ bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng qua, có tới 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 75,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỉ USD (tăng 38,6% so với cùng kỳ).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng số vốn lớn nhất với hơn 10,93 tỉ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng qua, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỉ USD (chiếm hơn 22,4%) tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút dòng vốn quan trọng này, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, TP HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước về số dự án mới với 642 dự án.

Thu hút vốn FDI khởi sắc - Ảnh 1.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nhà máy Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam Ảnh: THANH NHÂN

Là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút tổng vốn FDI trong 7 tháng, Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết thời gian qua, thành phố tập trung phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, thành phố thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Kịp thời đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN để thúc đẩy quá trình hợp tác đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

TP HCM dẫn đầu cả nước về thu hút dự án FDI mới trong 7 tháng

Cũng tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Giang tiếp tục là điểm sáng trong thu hút FDI khi đứng ở vị trí thứ 4 trong cả nước với hơn 1,44 tỉ USD, trong đó có 50 dự án mới. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho hay để thu hút dòng vốn quan trọng này, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh đã đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tập trung vào chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông để nâng cao sự sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI tăng cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Việt Nam đã rất chủ động để chuẩn bị các điều kiện nhằm thu hút đối tác đầu tư như quỹ đất, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ... "Số dự án đầu tư mới tăng mạnh so với cùng kỳ, điều đó cho thấy các nhà đầu tư quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam" - ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Những con số thống kê của 7 tháng năm 2023 nêu trên cho thấy việc thu hút dòng vốn FDI đã khởi sắc trở lại, kỳ vọng bứt phá trong những tháng cuối năm. Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, Việt Nam đang chú trọng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh Việt Nam đang hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm lựa chọn một số lĩnh vực đầu tư liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo. Tập trung thu hút một số dự án công nghệ cao chất lượng, hiệu quả, lan tỏa giá trị gia tăng cao.

Thu hút vốn FDI khởi sắc - Ảnh 3.
Số liệu các dự án FDI được cấp mới trong 7 tháng năm 2023. Đồ họa: ANH THANH

Bên cạnh môi trường đầu tư khởi sắc, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết việc chuẩn bị nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng góp phần quan trọng vào kết quả kêu gọi đầu tư. Do đó, Việt Nam đã, đang chuẩn bị các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, năng suất lao động. Ngoài ra, trên cơ sở phối hợp với các bộ ngành, Bộ KH-ĐT đang soạn thảo các chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài để trình Chính phủ.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng cần rà soát các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài để có những điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, bảo đảm tính liên kết vùng, liên kết hệ thống cảng biển, logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn vốn, tăng cường tính liên kết giữa DN FDI với DN trong nước.

Về phía địa phương, Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết thời gian tới, thành phố sẽ đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm hướng đến các quốc gia trọng điểm, tập đoàn, đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, chủ động trong công tác đối thoại chính sách, có biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai. Tăng cường công tác phối hợp với các hiệp hội DN ngành nghề, hiệp hội DN nước ngoài.

Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

Ông Lê Anh Sơn, chuyên gia Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong bối cảnh mới đây đoàn đại biểu gồm 52 DN của Mỹ đã đến Việt Nam để trao đổi về cơ hội đầu tư. Một số tập đoàn lớn quan tâm đến khả năng hợp tác và đầu tư tại Việt Nam bao gồm SpaceX, Amazon, Meta, FedEx, Roblox, UPS, Citi... Đây có thể là tín hiệu tích cực cho một làn sóng FDI mới từ Mỹ vào Việt Nam trong tương lai gần.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, nhận định những chính sách của nhà nước trong định hướng thu hút vốn FDI thời gian gần đây đang phát huy tác dụng, góp phần nâng chất và lượng của dòng vốn này. Tuy nhiên, trong xu hướng tích cực của dòng vốn FDI cả nước, thì TP HCM lại chưa thu hút vốn ngoại như kỳ vọng. Dù vậy, đặt trong bối cảnh thành phố chuyển hướng thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, công nghệ thông tin... sẽ có tín hiệu khả quan trong thu hút vốn FDI.

"Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM có thể là một hướng đi góp phần tạo đột phá trong thu hút dòng vốn FDI tương lai. Song, đây là chiến lược lâu dài không thể một sớm một chiều. Trong lúc này, để cạnh tranh nâng chất và thu hút vốn FDI nhiều hơn, thành phố cần đầu tư về nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư" - TS Trần Quang Thắng nói.

T.Phương

TS LÊ HOÀI QUỐC, Chủ tịch Hội tự động hóa TP HCM, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM:

Khắc phục hạn chế về nguồn nhân lực

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận xét điểm hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện tại là nguồn nhân lực. Cụ thể, những DN sản xuất công nghiệp bình thường, thâm dụng lao động có nhu cầu tuyển lao động đông, họ thường chọn đầu tư ở các tỉnh phía Bắc để tuyển dụng số lượng lớn công nhân đáp ứng nhu cầu sản xuất. Những DN sản xuất công nghệ cao thì đang thiếu lao động làm nhân sự quản trị cao cấp và lao động có kỹ năng.

Bài toán nguồn nhân lực trong thu hút đầu tư FDI đã được đề cập từ nhiều năm nay, ngay khi Việt Nam mở cửa mời gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay nguồn nhân lực vẫn là điểm trừ làm hạn chế đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần thiết phải giải quyết bài toán lao động để thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Bà PHÍ THỊ HƯƠNG NGA, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê):

Loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức

Để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia có dấu hiệu chậm lại, Việt Nam cần chú trọng việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng cơ chế ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước.

Ngoài ra, cần hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà cả DN trong nước.

nld.com.vn

Theo: Báo Công Thương