Thu hút đầu tư nước ngoài: Chậm cải thiện về chất, suy giảm về lượng Thu hút đầu tư nước ngoài: Đừng chỉ nhìn vào “mặt trái” của tấm huy chương |
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và hiện cũng chưa xuất hiện sự phục hồi rõ nét.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài lại có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, khi chấm dứt sự trầm lắng trong 6 tháng đầu năm để có sự bứt phá từ tháng 7 đến nay.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang |
Phục hồi rõ rệt
Trong 8 tháng năm 2023, cả nước đã thu hút được 18,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, lượng vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung vẫn có sự gia tăng trong bối cảnh nhiều nước rơi vào cảnh “đói” vốn ngoại. Bên cạnh đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nói cách khác, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài gây ấn tượng trong bối cảnh suy giảm hoạt động đầu tư quốc tế trong nhiều tháng gần đây.
Hiện, giới đầu tư truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… ngày càng khẳng định niềm tin, sự quyết tâm duy trì hoặc nâng cấp quy mô đầu tư tại Việt Nam, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược là đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhằm tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Hơn thế, chất lượng các dự án mới cũng trên đà cải thiện, phù hợp với định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa khi lượng vốn mới đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng năm 2023 (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã tập trung cải cách theo hướng đồng bộ, toàn diện, tiến bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, khi thể chế ngày càng cởi mở, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, những “nút thắt” đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong giai đoạn trước đây đang được giải quyết theo hướng minh bạch, thông thoáng, triệt để.
Kỳ vọng sẽ bứt phá
Dự báo, kết quả thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp đà tăng trưởng trong những tháng tới và chắc chắn sẽ là nguồn lực bổ sung quan trọng, bù đắp cho những hạn chế của lĩnh vực khác. Việt Nam hướng tới thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất với cung ứng toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đó là động lực phát triển cho giai đoạn tới, nên ngoài giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Mới đây, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Công ty Inventec Technology Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc), chuyên sản xuất điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi, bảng mạch điện tử… với tổng mức đầu tư 125 triệu USD. Có thể coi đây là minh chứng cho sự chuyển dịch theo định hướng nói trên.
Từ góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho rằng, Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển nhanh và được AEON xác định là thị trường tiềm năng trọng điểm. AEON mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Việt Nam, khi Chính phủ, các bộ, ngành chủ động hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xúc tiến đầu tư nước ngoài. Các địa phương quy hoạch, giới thiệu định hướng phát triển, tiềm năng giúp nhà đầu tư chủ động tìm cơ hội, lựa chọn dự án. Đặc biệt, các dự án hạ tầng, đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện, đã xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ trở nên sôi động, gia tăng về lượng và đặc biệt là có sự cải thiện mạnh mẽ về chất trong thời gian tới. Một số tổ chức quốc tế như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản… đều nhận định tích cực về tiềm năng, hiệu quả cải cách thể chế kinh tế, mức độ hội nhập, năng lực hợp tác, sức sáng tạo của Việt Nam.
Với sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa thăm Việt Nam, dư luận quốc tế nhận định sẽ sớm xuất hiện một số dự án “khủng”, ứng dụng công nghệ cao của Hoa Kỳ, cũng như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là xung lực mới, hứa hẹn tạo nên bứt phá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại ở Việt Nam.
hanoimoi.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|