Thu hồi đất sân bay Long Thành: Đề xuất giảm mức đầu tư, tăng thời gian thực hiện

(Banker.vn) Kiến nghị xem xét, kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường sân bay Long Thành đến hết 2024 và giảm tổng mức đầu tư, diện tích đất thu hồi.
Thi công dự án sân bay Long Thành: Kiên quyết thay thế nhà thầu yếu kém Cho ý kiến về dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành Đề xuất giảm tổng mức đầu tư dự án thu hồi đất Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đề xuất giảm mức đầu tư, tăng thời gian thực hiện dự án

Sáng 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng,
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng mức đầu tư dự án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 53/2017/QH14 là 22.938 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Về thay đổi, theo tờ trình của Chính phủ, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng (giảm 3.730,496 tỷ đồng).

Giảm diện tích đất thu hồi từ 5.399,35 ha xuống 5.317,35 ha (giảm 82 ha). Trong đó, diện tích đất của dự án Sân bay Long Thành là 5.000 ha; diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 284,7 ha (tăng 2,35 ha); tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha.

Tiếp đó, giảm không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất Phân khu III - Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97 ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20 ha.

Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Ông Thắng cho biết, theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH14, Điều 2 Nghị quyết số 38/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội các nội dung điều chỉnh trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án.

Nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024 thuộc thẩm quyền của Quốc hội do làm tăng thời gian thực hiện dự án so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 53/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua để có cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.

Về lý do điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, ngay sau khi dự án được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh và thành lập các Ban chỉ đạo để triển khai dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Dự án chưa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Nguyên nhân chính là do trong 2 năm 2020, 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Dự án có quy mô khối lượng công việc thực hiện rất lớn, tính phức tạp do liên quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội..., đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ và phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác đền bù thường xuyên thay đổi; giai đoạn đầu triển khai thực hiện chưa quyết liệt.

Ngoài dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai còn phải tập trung nhân lực để triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm Quốc gia trên địa bàn tỉnh như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành và phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát nên lực lượng thực hiện bị thiếu hụt.

Từ những nguyên nhân trên, Chính phủ kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Kéo dài thời gian giải ngân đối với 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết ngày 31/12/2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành dự án.

Kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đến hết năm 2024”.

Đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 quy định “Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021”. Tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án nhằm hoàn thành công tác thu hồi đất cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, đề nghị cần đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021 - 2023 trong bối cảnh niên độ Dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân thì có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đồng thời, đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Theo đó giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Nếu việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” mà không điều chỉnh về thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của Dự án thì liệu có bảo đảm khả thi về tiến độ của giai đoạn 1, do đó, đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.

Cũng theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo: Nghiên cứu, đánh giá chi tiết hơn tỷ lệ hoàn thành của các dự án thành phần có cấu phần xây dựng để làm cơ sở định lượng thời gian gia hạn phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thúc đẩy thực hiện giải ngân Dự án bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Vì vậy, đề nghị rà soát, có giải pháp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án khi thời gian từ nay đến hết năm 2024 (còn khoảng hơn 1 năm) với nhiều nội dung cần hoàn thành; phân kỳ cụ thể tiến độ thực hiện làm cơ sở điều chỉnh thời điểm kết thúc Dự án.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương