Thông tư số 06/2023/TT-NHNN tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phát triển sản xuất, kinh doanh

(Banker.vn) Ngày 01/8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 06/2023/TT-NHNN). Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì Hội nghị.
Ngày 01/8/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 06/2023/TT-NHNN). Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tập huấn tại điểm cầu Trung tâm Hà Nội, có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân; bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tại điểm cầu NHNN chi nhánh 63 tỉnh, thành phố, có đại diện lãnh đạo, cán bộ liên quan đến nghiệp vụ cho vay, thanh tra, giám sát và các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng hiện đang được triển khai theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Theo đó, trên cơ sở những nguyên tắc chung này, TCTD chủ động đưa ra các hướng dẫn, quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay phù hợp với đặc thù hoạt động của từng TCTD, đặc thù của các nhóm khách hàng và khẩu vị rủi ro của mình nhằm bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng.

 
  

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Qua thực tiễn 07 năm triển khai, về cơ bản, các quy định hướng dẫn về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đã tương đối đầy đủ. Tiếp nối tinh thần của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và để phù hợp với tình hình thực tế triển khai của các TCTD trong bối cảnh hiện nay, quy định của pháp luật hiện hành, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và yêu cầu quản lí nhà nước, ngày 28/6/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023.

Việc ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020 và các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay cũng như chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của các TCTD trong thực tiễn triển khai thời gian qua; đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, nâng cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay.

Còn 01 tháng nữa Thông tư số 06/2023/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, do đó, để đảm bảo hiệu quả việc triển khai Thông tư số 06/2023/TT-NHNN trong thực tế, NHNN tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN tới toàn hệ thống các ngân hàng, các cán bộ làm công tác chuyên môn và làm công tác thanh tra tại các đơn vị thuộc NHNN, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các quy định pháp luật có liên quan.

Thông tư mới này có tác động lớn đối với hoạt động của các TCTD cũng như với vai trò quản lí hoạt động tiền tệ và tín dụng của NHNN. Vì vậy, các TCTD cần quán triệt nội dung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để hoàn thiện quy trình nội bộ theo quy định mới, thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ trong nội bộ ngân hàng cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động cho vay được thông suốt và thuận lợi, qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”.

Tại Hội nghị tập huấn, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đã trình bày nội dung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN. Theo đó, một số điểm mới của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN như sau:

(i) Bổ sung các quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung 01 khoản mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện  nhằm tạo thuận lợi cho TCTD có đầy đủ khuôn khổ pháp lí để triển khai một, một số khâu hoặc toàn bộ quy trình cho vay bằng phương tiện điện tử. Từ đó, thúc đẩy các TCTD chủ động ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động cho vay, góp phần đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xử lí khoản vay và khách hàng thậm chí không phải đến trực tiếp ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn đối với các khoản vay có giá trị nhỏ.

Thứ nhất, quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin và quản lí rủi ro trên môi trường điện tử khi TCTD quyết định việc áp dụng phương tiện điện tử trong quy trình cho vay. Theo đó, TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử để xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử.

Thứ hai, quy định việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC) áp dụng đối với khách hàng là cá nhân, vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, lần đầu thiết lập mối quan hệ; theo đó, yêu cầu TCTD phải có giải pháp, công nghệ kĩ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu như: (i) Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các tài liệu, dữ liệu cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của TCTD, dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc bởi TCTD khác; (ii) Xây dựng quy trình quản lí, kiểm soát, đánh giá rủi ro và phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật; (iii) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật kí giao dịch trong quá trình cho vay. Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, đã thiết lập mối quan hệ tại TCTD và hoàn thành việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, TCTD được quyết định việc áp dụng các biện pháp, hình thức, công nghệ để xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo phù hợp với các thông tin đã biết về khách hàng.

Thứ ba, quy định dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam tại một TCTD. Trong bối cảnh hiện nay, các khoản vay phát sinh trên môi trường số chủ yếu là các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ phục vụ mục đích tiêu dùng, nhu cầu đời sống và mức độ ứng dụng công nghệ, phương tiện điện tử vào hoạt động cho vay giữa các TCTD không đồng đều; do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động cho vay và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của TCTD, trước mắt, NHNN áp dụng quy định giới hạn 100 triệu đồng khi khách hàng cá nhân vay phục vụ nhu cầu đời sống khi thực hiện eKYC. Còn đối với các khâu khác trong quy trình thực hiện cho vay, TCTD không bị giới hạn về dư nợ đối với khách hàng (cả khách hàng doanh nghiệp  và cá nhân).

Thứ tư, quy định về thẩm định và quyết định cho vay phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc tổ chức xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay; đồng thời, phù hợp với đặc thù và thực tiễn triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD dựa trên ứng dụng công nghệ trong khâu thẩm định và phê duyệt cho vay.

Thứ năm, quy định về hồ sơ đề nghị vay vốn, theo đó về thành phần hồ sơ vẫn đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư quy định cho phép các thành phần hồ sơ là các tài liệu, dữ liệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cung cấp và TCTD thu thập tài liệu, dữ liệu trên môi trường số khi triển khai hoạt động cho vay.

Thứ sáu, quy định về thỏa thuận cho vay để tạo điều kiện cho TCTD có cơ sở giao kết thỏa thuận cho vay với khách hàng dưới hình thức hợp đồng điện tử (thay vì chỉ kết kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức văn bản giấy truyền thống), phù hợp với đặc thù cho vay trên môi trường điện tử.

Thứ bảy, quy định về lưu giữ hồ sơ cho vay để phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay được số hóa trên môi trường điện tử, đồng thời giúp giảm áp lực đối với các TCTD trong việc lưu giữ hồ sơ cho vay theo phương thức truyền thống (đặc biệt đối với khoản vay tiêu dùng có quy mô nhỏ với số lượng lớn). Bên cạnh đó, quyết định cho vay cho phép sử dụng chữ kí điện tử của người có thẩm quyền (thay vì chỉ sử dụng chữ kí trên văn bản giấy truyền thống).

Thứ tám, quy định TCTD ban hành quy định nội bộ về cho vay, bao gồm quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử để kiểm soát hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp quy định tại Luật Các TCTD.

Thứ chín, quy định về phương tiện thanh toán được sử dụng để giải ngân vốn cho vay, cụ thể: TCTD được xem xét, quyết định lựa chọn phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay theo quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được eKYC theo quy định tại Điều 32b, TCTD được xem xét, quyết định để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để khách hàng chủ động thanh toán, chi trả các nhu cầu chi tiêu nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu đời sống cho bên thụ hưởng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn đúng mục đích.

(ii) Bổ sung một số quy định khác để phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD, góp phần an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Một là, bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống khi đáp ứng một số các điều kiện, thay vì chỉ áp dụng với khoản vay phục vụ mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, cũng như có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác.

Hai là, bổ sung nội dung làm rõ quy định TCTD được xem xét cho khách hàng vay vốn TCTD trong nước để trả nợ khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.

Ba là, bổ sung quy định về phương án sử dụng vốn cần phải có thêm thông tin về phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở, thay vì chỉ áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Quy định này nhằm đảm bảo cho TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng, thường là các khoản vay có giá trị lớn, qua đó phục vụ việc giám sát sử dụng vốn vay của khách hàng đúng mục đích. Ngoài các nhu cầu vay vốn mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở này, các nhu cầu vay vốn khác để phục vụ mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của người dân, như vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng, thanh toán tiền học, sinh hoạt điện nước..., khách hàng không cần phải cung cấp thông tin về phương án, dự án cụ thể.

Bốn là, để góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay mà những nhu cầu vốn cho vay này trong thời gian qua, NHNN cũng đã có các văn bản cảnh báo TCTD như: Vay vốn để gửi tiền; để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng kí giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay, để bù đắp tài chính.

(iii) Về hiệu lực Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và điều khoản chuyển tiếp

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023. Về nội dung chuyển tiếp, đối với các thỏa thuận cho vay, hợp đồng tín dụng được kí kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong thỏa thuận cho vay, hợp đồng tín dụng đã kí kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm kí kết thỏa thuận cho vay, hợp đồng tín dụng đó. Trường hợp thỏa thuận sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cho vay, hợp đồng tín dụng, nội dung sửa đổi, bổ sung phải phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Tại Hội nghị, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đánh giá cao nội dung trình bày cũng như nội dung hướng dẫn của NHNN tại Hội nghị tập huấn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN. Qua tập huấn, các TCTD, ngân hàng thương mại hiểu rõ hơn nội dung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN so với khi mới tiếp nhận Thông tư này; đồng thời, việc NHNN tổ chức Hội nghị tập huấn đã tạo điều kiện cho các TCTD đưa ra những ý kiến nhằm hiểu đúng Thông tư số 06/2023/TT-NHNN để thực hiện và xây dựng các quy định nội bộ hướng dẫn quy trình thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.

 

Quang cảnh Hội nghị tập huấn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN
 
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái mong muốn, NHNN quy định rõ hơn các trường hợp không được cho vay, ví dụ đối với khách hàng là nhóm công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh hợp pháp, thực hiện đầu tư giấy tờ có giá, mua chứng chỉ tiền gửi theo hai hình thức sơ cấp và thứ cấp. Nếu trong trường hợp chứng chỉ tiền gửi được coi là một hình thức gửi tiền thì theo Thông tư số 06/2013/TT-NHNN, các TCTD có được cho vay tiếp đối với những công ty này hay không?; ngân hàng cho vay bù đắp tài chính và giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng, số tiền khách hàng vay chưa dùng hết có phải trả lãi không?;  khách hàng đang có tiền gửi và tiết kiệm tại chính các TCTD cho vay và các TCTD khác và phát sinh nhu cầu vốn cho vay thì các TCTD có được cho vay không?.…

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN không tác động nhiều đến hoạt động của Agribank; tuy nhiên, một số nội dung tại Thông tư cần làm rõ để có cách hiểu thống nhất trong quá trình thực hiện, tránh cách hiểu khác nhau trong nội bộ TCTD, cũng như đối với các cơ quan quản lí như: Quy định về cho vay không được gửi tiền; cho vay bù đắp tài chính; cho vay thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác liên doanh, các dự án đủ điều kiện hợp tác kinh doanh…

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong quá trình thu thập hồ sơ, khách hàng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị, trong khi nhu cầu vốn đang rất cần thiết nên khách hàng phải xoay xở từ bên ngoài để chi trả trước, sau đó mới lấy tiền được ngân hàng giải ngân để trả. Do đó, ngân hàng mong muốn cần thống nhất thời điểm giải ngân để phù hợp với thực tiễn trong hoạt động cho vay của ngân hàng…

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đánh giá, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN là hướng đi đúng của cơ quan quản lí, mở ra điều kiện kinh doanh cạnh tranh cho các TCTD, giúp các TCTD phục vụ khách hàng tốt hơn. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung các quy định khá rõ ràng trong kiểm soát sau cho vay, kiểm soát sử dụng vốn. Việc bổ sung, cập nhật hành lang pháp lí cho vay bằng phương tiện điện tử là cần thiết và phù hợp cho hoạt động ngân hàng… Đại diện TPBank cũng cho rằng, đa phần các vướng mắc của ngân hàng nằm ở câu chữ trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN như cho vay để gửi tiền, cho vay bù đắp tài chính… Do đó, NHNN cần giải thích rõ ràng hơn để thống nhất cách hiểu trong các TCTD.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cộng đồng (FCCOM), đại diện cho khối công ty tài chính tiêu dùng cho biết, các công ty tài chính chỉ giải ngân khoản vay tín chấp tối đa 100 triệu đồng/khách hàng, hầu hết khách hàng sử dụng vốn vay để phục vụ tiêu dùng, chi tiêu trong gia đình, thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Việc chuyển khoản cho bên thứ ba để chuyển cho bên thụ hưởng với hạn mức nhỏ sẽ rất khó cho khách hàng trong thanh toán và đáp ứng được nhu cầu trong đời sống. Hiện nay, có đến 80 - 90% khách hàng đã chuyển sang sử dụng ngân hàng trên môi trường điện tử nên cần làm rõ khi nào giải ngân trực tiếp, khi nào giải ngân trực tuyến.

Giải đáp một số ý kiến của các TCTD, ngân hàng thương mại cũng như chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố liên quan đến quy định tại Điều 32c: “Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b Thông tư này không vượt quá 100 triệu đồng tại một TCTD”, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN giải thích, quy định này chỉ áp dụng với khách hàng thực hiện eKYC 100% bằng phương thức điện tử. Còn khách hàng cá nhân giao dịch tại quầy, sau đó thực hiện các bước bằng phương tiện điện tử không bị hạn chế này.

Bà Bùi Thúy Hằng cũng cho biết, NHNN sẽ tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các TCTD tại Hội nghị, trên cơ sở đó sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể đảm bảo việc thực thi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN được thông suốt, thống nhất trong toàn ngành Ngân hàng, giúp các TCTD cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.


Mai Mai 
 
 
 
 
 
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng