Thông tư 14 giúp khách hàng và TCTD tháo gỡ một phần khó khăn do đại dịch COVID-19

(Banker.vn) Ngay sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, các TCTD cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất.

Quy định phù hợp với diễn biến, tình hình mới

Ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 14/2021/TTNHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

So với Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN), thì Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) có một số sửa đổi quan trọng, đó là:

Thứ nhất, cho phép TCTD tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước 10/6/2020. Như vậy, Thông tư mới đã mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ tới cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đợt 4 mà Thông tư 03 chưa bao phủ tới.

Thứ hai, Thông tư 14 kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022 (quy định hiện hành theo Thông tư 03 là đến ngày 31/12/2021). Cùng với cơ cấu nợ, Thông tư 14 cũng cho phép TCTD miễn giảm phí cho khách hàng đến ngày 30/6/2022.

Ngoài ra, so với Thông tư 03, Thông tư 14 còn bổ sung thêm điều khoản cho phép TCTD được cơ cấu nợ cho cả số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Theo NHNN, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là do căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Việc giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch. Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (thitruongtaichinhtiente.vn), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank đánh giá việc NHNN ban hành Thông tư 14 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01 là rất kịp thời, phù hợp với tình hình diễn biến, tác động của đại dịch COVID-19, cho thấy sự quan tâm của NHNN trước tình hình khó khăn của nền kinh tế.

Thông tư 14 đã tháo gỡ khó khăn trước mắt cho khách hàng vay, cụ thể đã mở rộng phạm vi khoản vay được cơ cấu và kéo dài thời gian cơ cấu nợ, vừa giúp cho nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có dòng tiền bị đóng băng, không có nguồn thu để trả nợ cho TCTD giảm được áp lực trả nợ, có thêm nguồn lực và thời gian tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa giúp cho các TCTD giảm áp lực về nợ quá hạn, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

"Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư 14 được xem như một giải pháp của NHNN trong nỗ lực giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 lên hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nhìn chung, Thông tư 14 đã giúp cho khách hàng và TCTD tháo gỡ được một phần khó khăn trong thời gian bị tác động bởi đại dịch COVID-19", bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.

Ngân hàng đã sẵn sàng

Ngay sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, các TCTD đã triển khai việc tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. Riêng việc giảm lãi suất cho vay theo thông tư mới, TCTD cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất.

Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì hệ thống ngân hàng tự động giãn nợ theo thời gian mà địa phương đó quy định giãn cách. Còn đối với cơ cấu lại nợ thì nhân viên ngân hàng tự động gọi điện cho khách hàng đủ điều kiện để thông báo khách hàng có nhu cầu, ngân hàng sẽ đáp ứng. Riêng đối với khách hàng hội đủ các điều kiện giảm nợ theo quy định, ngân hàng sẽ xét giảm khi khách có đề xuất.

Đồng hành cùng khách hàng khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, triển khai thực hiện quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 của NHNN, Sacombank đã ban hành quy chế, hướng dẫn nội bộ một cách kịp thời để cụ thể hoá các quy định tại các thông tư này giúp các đơn vị trực thuộc hiểu rõ quy định, thuận tiện trong công tác triển khai và áp dụng đúng đối tượng, không để xảy ra bất kỳ trường hợp sai sót nào ảnh hưởng đến những khách hàng đã bị tác động bởi dịch COVID-19 đủ điều kiện cơ cấu.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, những vấn đề chưa rõ Sacombank sẽ xin ý kiến làm rõ với NHNN, với những vấn đề còn chưa phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19, Sacombank sẽ tham gia góp ý, kiến nghị sửa đổi bổ sung.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ