Thông tư 02: Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải trích lập dự phòng từ 50-100%

(Banker.vn) Theo Thông tư 02, dù được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, xong các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.
Giãn Thông tư 02: Cơ hội dưỡng sức trước đại phẫu Giảm lãi suất, cơ cấu nợ: Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khủng hoảng Tín dụng tăng cao, cơ cấu nợ cho 257.602 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/4, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: Doanh thu, thu nhập sụt giảm.

“Mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - bà Giang nói.

Cũng theo bà Giang, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về góc độ của tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

“Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách” - bà Giang nhấn mạnh.

Thông tư 02: Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải trích lập dự phòng từ 50-100%
Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 20/4/2023, quy mô tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng như: Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng; Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi;

Thông tư 02: Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải trích lập dự phòng từ 50-100%
Theo Thông tư 02, Ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải trích lập dự phòng từ 50-100%

Đồng thời, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực,…)... nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị quyết. Đồng thời, ngày 24/4/2023 Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo tổ chức tín dụng:

Thứ nhất, tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao;

Thứ hai, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản;

Thứ ba, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo,... cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn;

Thứ tư, kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án bất động sản trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án,..

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/4/2023.

Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ;...

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương