Thông tin trái chiều về việc đồng USD suy yếu, giá cà phê xuất khẩu giằng co

(Banker.vn) Thông tin cơ bản trái chiều về việc đồng USD suy yếu và tồn kho chứng nhận đã cải thiện khiến giá cà phê xuất khẩu giằng co trong phiên.
Nguồn cung thiếu hụt cục bộ, giá cà phê xuất khẩu cao nhất 30 năm Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tạo đỉnh mới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 31/1, giá Arabica thay đổi không đáng kể 0,03%, trong khi giá Robusta giảm 0,93%, từ mức cao nhất trong 30 năm. Thông tin cơ bản trái chiều về việc đồng USD suy yếu và tồn kho chứng nhận đã cải thiện khiến giá cà phê giằng co trong phiên.

Một mặt, chỉ số Dollar Index suy yếu khi tăng trưởng lương của người lao động tiếp tục hạ nhiệt. Điều này kéo tỷ giá USD/BRL đi xuống vào nửa đầu phiên tối. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp làm hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy giá cà phê tăng.

Thông tin trái chiều về việc đồng USD suy yếu, giá cà phê xuất khẩu giằng co
Thông tin trái chiều về việc đồng USD suy yếu, giá cà phê xuất khẩu giằng co

Mặt khác, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 30/1 tăng 6.804 bao loại 60kg, chấm dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp, đưa đến tín hiệu nguồn cung cải thiện.

Với Robusta, dù giá có giảm nhẹ nhưng vẫn nằm trong vùng giá cao nhất 30 năm. Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU trong phiên 30/1 neo ở mức 28.860 tấn, một trong những lượng cà phê lưu trữ thấp nhất từng ghi nhận

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (1/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm nhẹ 500 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 78.100 - 79.200 đồng/kg.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ trên thị trường trong bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ leo thang là một trong những yếu tố then chốt đẩy giá cà phê tăng vọt. Trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, giới chuyên gia nhận định lượng cà phê xuất khẩu trong quý I/2024 từ châu Á sang hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ và châu Âu có thể giảm 36% so cùng kỳ.

Căng thẳng Biển Đỏ đã kéo dài hơn một tháng và ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động xuất khẩu cà phê của các quốc gia châu Á. Để hạn chế tác động tiêu cực, các nước sản xuất và đơn vị vận tải biển buộc phải lựa chọn thay đổi hải trình vận chuyển cà phê qua mũi Hảo Vọng tại châu Phi, thay vì tiếp tục đối mặt với rủi ro rình rập trên tuyến đường huyết mạch ban đầu.

Thông tin trái chiều về việc đồng USD suy yếu, giá cà phê xuất khẩu giằng co
Lượng cà phê xuất khẩu trong quý I/2024 từ châu Á sang hai thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ và châu Âu có thể giảm 36% so cùng kỳ. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sau khi giảm vào niên vụ trước, thương mại cà phê toàn cầu đang cho thấy xu hướng tăng trở lại. Theo đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,6 triệu bao trong tháng 11/2023, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đưa tổng xuất khẩu trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 và tháng 11/2023) lên 20,2 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ trước.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương