Thông tin cảnh báo sớm, “tài sản” đặc biệt cho phòng vệ thương mại ngành nhôm

(Banker.vn) Các thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại, từ các tham tán thương mại ở các nước sẽ là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng nhôm.
Chính sách phòng vệ thương mại của EU được quy định như thế nào? Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó có các sản phẩm hàng hóa ngành nhôm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, các thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương và đặc biệt là của Cục Phòng vệ thương mại hay từ các tham tán thương mại ở các nước sẽ là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng.

Ông có thể chia sẻ về đặc điểm của một số vụ việc phòng vệ thương mại mà ngành nhôm phải đố trong thời gian gần đây và ngành nhôm đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào trong quá trình ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, thưa ông?

Thời gian gần đây, ngành nhôm Việt Nam phải đối diện với một số vụ việc về phòng vệ thương mại, trong đó nổi bật là hai vụ việc.

Vụ thứ nhất là việc áp chống bán phá giá với các sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD05) và vụ thứ hai là các doanh nghiệp Hoa Kỳ khởi kiện các sản phẩm nhôm đùn ép và sau đồn ép có xuất xứ từ Việt Nam. Cả hai vụ việc này đều rất quan trọng với các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam.

Thông tin cảnh báo sớm, “tài sản” đặc biệt cho phòng vệ thương mại ngành nhôm
Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam

Với vụ AD05, đây là một vụ rà soát cuối kỳ rất quan trọng với các doanh nghiệp ngành nhôm. Bởi trước khi có quyết định rà soát thuế chống bán chống phá giá với các sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc năm 2019 thì thị trường nhôm Việt Nam bị lượng lớn các sản phẩm nhôm Trung Quốc áp đảo thị trường, các nhà máy nhôm Việt Nam thời kỳ đó giảm công suất tới 50-60%. Sau khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá của Bộ Công Thương thì các doanh nghiệp Việt Nam đã hồi phục lại rất nhanh và giữ lại được thị trường.

Với vụ việc về các doanh nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu khởi kiện các sản phẩm nhôm đùn ép và sau đùn ép của các doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra vụ việc (mã vụ việc A552837). Đây cũng là một vụ việc rất quan trọng với các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam, bởi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu rất lớn và phạm vi điều tra lần này rất rộng, ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp ngành nhôm.

Về thuận lợi và khó khăn, nhôm là một mặt hàng đa dạng, phong phú và được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Vì vậy, thị trường của các sản phẩm nhôm rất rộng, đa dạng. Các doanh nghiệp Việt Nam lại rất linh động và nhanh chóng ứng dụng khoa học, công nghệ và đặc biệt là lao động kỹ thuật trong các doanh nghiệp Việt Nam có tay nghề tương đối cao.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là về cơ chế chính sách, đến thời điểm hiện tại chưa có một chính sách nào khuyến khích cho chương trình xuất khẩu của ngành nhôm và thậm chí hiện tại các sản phẩm nhôm thanh định hình khi xuất khẩu đi đều chịu mức thuế tối thiểu là 5%. Chính vì vậy, việc cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành nhôm cũng giảm đi đáng kể trên thị trường quốc tế.

Điểm khó khăn nữa là các thị trường EU và Hoa Kỳ liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, mới đây nhất là Hoa Kỳ chính thức khởi kiện nhôm của Việt Nam và mức thuế họ đề xuất là 53,7%, điều này sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp ngành nhôm trong việc giữ thị trường, hay chuyển sang thị trường khác cũng là việc khá khó khăn tại thời điểm hiện nay.

Ngành Nhôm đã tiếp nhận và hành động như thế nào với các thông tin về cảnh báo phòng vệ thương mại? Những thông tin này đã có hiệu quả như thế nào trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành nhôm nhằm hạn chế rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại?

Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nên việc nước ta hay các nước sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng là một việc phù hợp theo thông lệ quốc tế. Từ đầu năm đến nay thì ngành nhôm cũng liên tục đối mặt với 4 vụ việc phòng vệ thương mại khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là khi ngành nhôm Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm ứng phó và tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại vẫn còn rất ít, kinh nghiệm hạn chế.

Cũng rất may, ngành nhôm có tổ chức là Hiệp hội Nhôm Việt Nam. Đây là một cầu nối giữa các doanh nghiệp ngành nhôm với các cơ quan bộ, ngành và đặc biệt là với Bộ Công Thương. Hiệp hội liên tục cập nhật các thông tin của Cục Phòng vệ thương mại, Trung tâm Cảnh báo sớm để nắm bắt được các thông tin, qua đó các doanh nghiệp hoặc Hiệp hội sẽ tham vấn được các ý kiến và cách xử lý trong vụ việc phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, gần đây, chúng tôi đã phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại tổ chức chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong phòng vệ thương mại khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá. Qua đó các doanh nghiệp cũng hiểu sâu hơn về ứng phó trong các tình huống đó như thế nào và có các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt cũng sẵn sàng để chuẩn bị các dữ liệu tham gia vào các vụ kiện đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mình, của ngành hàng mình.

Thông tin cảnh báo sớm, “tài sản” đặc biệt cho phòng vệ thương mại ngành nhôm
Thông tin cảnh báo sớm, “tài sản” đặc biệt cho phòng vệ thương mại ngành nhôm - Ảnh: Tiến Đạt

Để các doanh nghiệp trong ngành nhôm có thể giảm thiểu được những rủi ro bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ở góc độ ngành hàng chúng ta cần thêm những trợ lực như thế nào, đặc biệt là trong vấn đề cảnh báo sớm?

Ngành nhôm đã phổ biến cho tất cả các doanh nghiệp là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế vừa biến động và khó khăn như hiện nay thì xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng phổ biến, đây là xu thế đương nhiên phải chấp nhận.

Về phía các doanh nghiệp, chúng tôi cũng phổ biến cho các doanh nghiệp cần chủ động trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về phòng vệ thương mại và sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo vệ ngành hàng của mình và doanh nghiệp của mình.

Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất là không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn.

Ngành nhôm cũng rất cần sự đồng hành liên tục của Bộ Công Thương và đặc biệt là của Cục Phòng vệ thương mại trong việc thông tin, hướng dẫn và phổ biến, cập nhật kiến thức cho doanh nghiệp, ngành hàng để doanh nghiệp sẵn sàng vào các sân chơi lớn hơn. Chúng tôi coi các thông tin đó như một tài sản đặc biệt mà ai biết sớm thì sẽ có lợi thế hơn. Chính vì vậy, các thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại, từ các tham tán thương mại ở các nước sẽ là vô cùng quý giá với các doanh nghiệp, ngành hàng chúng tôi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một số mong muốn và đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các địa phương, khi kêu gọi thu hút đầu tư thì nên tập trung thu hút đầu tư vào các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về mặt công nghệ, về sản xuất sạch để các sản phẩm có lợi thế hơn trên trường quốc tế, tránh việc thu hút đầu tư vào các ngành hàng đã dư thừa công suất như ngành nhôm hiện nay, dẫn đến việc tránh việc một số các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để rửa nguồn xuất xứ, né các biện pháp phòng vệ thương mại gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất trong nước.

Xin cảm ơn ông!

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục