Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn đạt hơn 1.000 xe/ngày

(Banker.vn) Đến nay hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn đã cơ bản trở lại bình thường, đạt trung bình từ 1.000 - 1.100 xe/ngày.
Cửa khẩu Lạng Sơn: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan nhanh nhất Nhiều xe hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn mùng 3 Tết Nguyên đán Cửa khẩu Lạng Sơn: Hơn 900 xe hàng thông quan trong 1 ngày

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 640 triệu USD

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quý I/2023, tình hình xuất nhập khẩu diễn ra tương đối thuận lợi do từ ngày 8/1/2023 phía Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, cơ bản bình thường hoá các hoạt động xuất nhập khẩu tại 5 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn đạt hơn 1.000 xe/ngày
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 640 triệu USD, đạt 16,84% kế hoạch, tăng 31,96% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 300 triệu USD; nhập khẩu đạt 340 triệu USD. Hàng địa phương xuất khẩu ước đạt 30 triệu USD.

"Trong tháng 3/2023 các hoạt động thông quan và lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tăng cao do vào thời điểm thu hoạch hàng nông sản hai nước Việt - Trung" - đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay.

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu.

Chẳng hạn như: Ban hành văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, thương nhân để thông tin về tình hình xuất nhập khẩu, đưa ra các nhận định, đánh giá, khuyến cáo trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là trong việc điều tiết phương án sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, hoa quả đảm bảo phù hợp.

Bên cạnh đó, bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, buổi trưa, ngày nghỉ và tăng thời gian làm việc đến 23 giờ để đảm bảo thông quan hàng hóa trong ngày.

Đồng thời, trao đổi, hội đàm với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc để thống nhất cho phép phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, lưu thông qua lối đi hầm Tả Phủ tại đèo Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và khu vực mốc giới 1116-1117 trên biên giới đất liên Trung Quốc - Việt Nam, đề nghị tối ưu hoá quy trình, thủ tục nhằm các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...

"Qua đó, hiệu suất thông quan tăng cao, đạt trung bình từ 1.000 - 1.100 xe/ngày, đến nay hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản trở lại bình thường" - đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn nêu.

Về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thông tin, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 ước tăng 4,98% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 1,94%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,92%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,53%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 5,25%; có 06/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn cơ bản đạt tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7.309,9 tỷ đồng, đạt 27,18% kế hoạch, tăng 18,32% so với cùng kỳ. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, an toàn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng ước đạt 39.269 tỷ đồng, tăng 5,8% so với 31/12/2022; dư nợ tín dụng đạt 39.041 tỷ đồng, giảm 0,9%. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa ổn định, thông suốt, an toàn, doanh thu ước đạt 533,8 tỷ đồng, tăng 5,04% so với cùng kỳ.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu thông tin liên lạc của Nhân dân; doanh thu bưu chính đạt 55 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ viễn thông 310 tỷ đồng, tăng 30,8%.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; các chương trình, hoạt động du lịch, lễ hội sau thời gian dài hạn chế, tạm hoãn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai trở lại, số lượng người tham gia tăng cao. Thu hút 1.350,053 nghìn lượt khách, đạt 35,9% kế hoạch, tăng 78,6% so với cùng kỳ; doanh thu 1.055 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 281% so với cùng kỳ...

Sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2023 của tỉnh Lạng Sơn đó là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma.

Tăng cường nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu và các cơ chế, chính sách của phía Trung Quốc; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thông quan nhằm thu hút các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao như xe ô tô... đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh; không để xảy ra ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mặt khác, tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh, đưa tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) khu vực Mốc 1088/2- 1089 hoạt động chính thức. Triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh - Pò Chài” do Quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công - Lan Thương viện trợ.

Bên cạnh đó, duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập các cụm công nghiệp. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lập đề xuất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, làm tốt công tác định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch; hưởng ứng các hoạt động năm du lịch quốc gia 2023; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương