Bà Mariam J. Sherman khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác đặc biệt quan trọng của WB và NHNN vẫn luôn là cầu nối giữa WB và Chính phủ. Trên cương vị Giám đốc quốc gia, Bà Mariam sẽ nỗ lực để tiếp tục thúc đẩy hợp tác để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt, đặc biệt tại khu vực Mê Công; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và nhân rộng quy mô, lan tỏa thành công của Việt Nam trong việc trồng lúa phát thải thấp.
Quang cảnh buổi tiếp
Nhân dịp này, Thống đốc chia sẻ với bà Mariam một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ. Thống đốc nhấn mạnh NHNN sẽ kiên định điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế. Tính ổn định trong thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô đã góp phần tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.
Về phía NHNN, Thống đốc đánh giá hỗ trợ của WB dành cho NHNN về tài chính và kỹ thuật, đặc biệt qua việc triển khai dự án HTKT “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” do Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ ủy thác qua WB. Trong thời gian qua, NHNN và WB đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Dự án HTKT. Nhìn chung, dự án đã đạt được các kết quả tích cực, nhiều hoạt động đã chứng tỏ được tầm quan trọng và yêu cầu cải cách vì đã góp phần vào tăng cường cải cách và sự lành mạnh, ổn định của khu vực ngân hàng. Các nội dung hỗ trợ kỹ thuật của Dự án HTKT đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của NHNN, từ nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị thụ hưởng, tập trung vào những nội dung quan trọng nên đã được triển khai khá tốt, đem lại kết quả mong đợi.
Về phía WB, Bà Giám đốc Quốc gia khẳng định WB luôn ưu tiên phân bổ nguồn vốn lớn cho Việt Nam, tập trung vào những dự án trọng điểm theo các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, WB mong muốn hỗ trợ Việt Nam tập trung nguồn vốn này cho một số dự án lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL; các dự án hạ tầng quy mô lớn, bền vững, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, các dự án năng lượng sạch…
Với vai trò cơ quan đại diện cho Chính phủ tại WB, Thống đốc chia sẻ về những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ ngành trong thời gian qua, cũng như những nỗ lực của các cơ quan trong quá trình rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho việc triển khai các dự án WB. Với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, Bà Giám đốc Quốc gia kỳ vọng quan hệ hợp tác Việt Nam và WB sẽ được tăng cường và phát triển hơn nữa; và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng hành với Việt Nam trên hành trình phát triển tiếp theo, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) là tổ chức phát triển quốc tế với 189 nước thành viên, được thành lập từ năm 1944. WBG bao gồm 5 cơ quan: (i) Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA); (ii) Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD); (iii) Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); (iv) Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA); và (v) Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp đầu tư (ICSID).
Việt Nam gia nhập WB từ năm 1956 với quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Tới nay WB là một trong số những tổ chức phát triển đa phương cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Theo HTQT/sbv.gov.vn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|