Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tiền cho vay nhà ở xã hội chính là tiền của người dân

(Banker.vn) Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện số tiền cho vay nhà ở xã hội chính là tiền huy động của người dân, nên các ngân hàng vẫn phải trả lãi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu đưa nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội thành chỉ tiêu pháp lệnh Các chuyên gia: Cần xác định đúng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội Nhà ở xã hội: Tỷ suất sinh lời 10% không đủ hấp dẫn nhà đầu tư

Chia sẻ tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới là đề án có ý nghĩa rất lớn và là chương trình nhân văn để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo nhà ở cho người dân. Vì vậy, chương trình này đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và nguồn lực tài chính phải huy động từ nhiều kênh.

Theo Thống đốc, hiện, nguồn lực ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế. Đồng thời, theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là các ngành, các cấp, mỗi đơn vị, bộ, ngành cần có những chính sách góp phần triển khai chương trình này. Chính vì vậy, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Đáng chú ý, đến nay có thêm 1 ngân hàng thương mại cổ phần nữa tham gia và tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng.

“Số tiền để cho vay chính là tiền huy động của người dân và đã là tiền huy động của người dân thì các ngân hàng vẫn phải trả lãi. Số lãi suất ưu đãi cho 3 - 5 năm chính là nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng chứ không phải nguồn của ngân sách”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện ưu đãi này, các ngân hàng cũng phải cân đối nên mới có 5 ngân hàng tham gia được.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tiền cho vay nhà ở xã hội chính là tiền của người dân
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiền cho vay nhà ở xã hội chính là tiền của người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Còn về việc cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, quy chế cho vay hiện hành, đến nay, trên cơ sở các dự án công bố của các địa phương, các ngân hàng thương mại đã cam kết trên 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên, phần giải ngân mới được gần 700 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng vì sao gói 15.000 tỷ đồng về thủy sản, chế biến gỗ triển khai rất nhanh mà chương trình nhà ở xã hội lại chậm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói 15.000 tỷ đồng chủ yếu cho vay ngắn hạn, đối tượng vay là người sản xuất kinh doanh nên triển khai rất nhanh. Còn với gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội thì trung dài hạn và phần giải ngân sẽ theo từng năm.

“Đây là những khoản vay 10 năm, 20 năm, 30 năm thì rõ ràng giải ngân được ít là điều dễ hiểu. Còn nhu cầu vay của các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở thu nhập thấp, thì đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư, giá đất, giao đất, hạ tầng xung quanh…”, Thống đốc lý giải.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trước đây gói 30.000 tỷ đồng thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016. Còn hiện nay là chương trình 10 năm và mới chỉ thực hiện được 1 năm. “Nhu cầu vay của người dân còn thấp vì sau đại dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn nên đi vay để mua nhà còn hạn chế. Cho nên trước mắt cần tập trung cho vay các doanh nghiệp để xây những căn nhà này”, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia nêu tại hội nghị về việc phân biệt rõ nhu cầu có chỗ ở của người thu nhập thấp với nhu cầu sở hữu nhà ở. Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thấy rằng, để hướng tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới, đồng thời giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, là nhu cầu sở hữu hay nhu cầu thuê mua để tham mưu về nguồn tài chính.

Về nguồn lực tài chính, để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở Thống đốc cho rằng, phải là nguồn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa… Còn đối với nhu cầu vay để mua nhà ở, thì tiếp cận từ nguồn vốn tín dụng. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt gói này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Đồng thời, cho biết sẽ tục kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, việc huy động của người dân và lãi suất thay đổi theo thời gian, theo biến động của thị trường, cho nên các ngân hàng cũng tính toán để đưa ra lãi suất hỗ trợ 3 - 5 năm, còn thời hạn vay có thể 10, 20, 30 năm, tùy vào thỏa thuận của tổ chức tín dụng với người vay.

Đối với nhu cầu thuê nhà, theo Thống đốc, phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây nhà để cho thuê. Việc này cũng đây đòi hỏi nhiều chính sách ưu đãi.

Chia sẻ thêm về đối tượng vay của gói 120.000 tỷ đồng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã được Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, theo Luật Nhà ở mới ban hành cho phép doanh nghiệp và hợp tác xã trong khu công nghiệp được mua nhà để cho công nhân thuê. Đây là đối tượng có nhu cầu rất lớn và nếu làm được thì sẽ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của công nhân muốn thuê nhà.

Liên quan đến đề xuất 1 gói 30.000 tỷ đồng của Techcombank và có thể áp dụng cho các ngân hàng khác, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ giao các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước làm việc trực tiếp với các ngân hàng, nếu có vấn đề phát sinh sẽ báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ.

Cuối cùng, với gói 120.000 tỷ đồng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là một giải pháp để cùng với các giải pháp khác, chứ không hy vọng có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục