Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Romania

(Banker.vn) Từ ngày 20 đến 22/01/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania. Chuyến thăm mang tính biểu tượng bền chặt và sâu sắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Romania trong gần 75 năm qua.
Từ ngày 20 đến 22/01/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Romania. Chuyến thăm mang tính biểu tượng bền chặt và sâu sắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania trong gần 75 năm qua.
 

Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu chào mừng Đoàn Việt Nam tại Lễ đón chính thức
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thống đốc đã tham dự các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu, Tổng thống Romania Klaus-Werner Iohannis, Chủ tịch Thượng viện Romania Nicoale Ciuca, Chủ tịch Hạ viện Alfred-Robert Simonis; tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Romania; thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia (ICI), Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest; gặp Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova, đại diện các Hội đoàn và bạn bè hữu nghị Romania; thăm Đại sứ quán, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Romania và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai bên.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng, Thống đốc NHNN hội đàm với Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu và Đoàn Chính phủ Romania

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm và làm việc tại Hạ viện Romania

Gặp gỡ ICI, Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với Tổng Giám đốc ICI về tiềm năng và cơ hội hợp tác về công nghệ thông tin giữa hai bên. Thủ tướng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là động lực tăng trưởng giúp cho cả Việt Nam và Romania phát triển nhanh và bền vững.

Tại buổi làm việc với ICI, sau khi nghe ICI giới thiệu các nghiên cứu về chuyển đổi số và được yêu cầu chia sẻ về góc nhìn của NHNN, Thống đốc cho biết chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Để quá trình chuyển đổi số thành công cần hội tụ hai điều kiện cần và đủ. Đối với điều kiện cần đó là ý chí sẵn sàng thay đổi, dám nghĩ, dám làm của các nhà lãnh đạo cấp cao. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hàng quý, Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, trực tiếp chủ trì các cuộc họp Uỷ ban Quốc gia với thành viên gồm Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan để đôn đốc các công việc của Ủy ban nhằm kịp thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia. Về phía ngành Ngân hàng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhận thức được điều này, ngành Ngân hàng đã tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số thông qua việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Về điều kiện đủ, thành công của công cuộc chuyển đổi số phụ thuộc khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp, người dân trong ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống hàng ngày.

Thống đốc NHNN phát biểu tại phiên làm việc với Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania (ICI)

Trong quá trình chuyển đổi số, một vấn đề vô cùng quan trọng là đảm bảo an toàn, bảo mật. Ở Việt Nam, vấn đề này nhận được sự quan tâm từ cả ngành ngân hàng và Bộ Công an. Trong thời gian tới, Bộ Công an và NHNN sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị về an toàn bảo mật trong hoạt động ngân hàng. Thống đốc bày tỏ mong muốn ngành ngân hàng Việt Nam và ICI có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ICI có thế mạnh hàng đầu như trung tâm dữ liệu, xây dựng dự án điện toán đám mây cho các cơ quan nhà nước, xây dựng siêu máy tính, thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng, tiên phong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain), thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động, xây dựng sàn giao dịch ảo…

Cũng tại buổi làm việc với ICI, trả lời câu hỏi của đại diện ICI về nhận định đối với xu hướng mới trên thế giới về phát triển tài sản ảo (crypto assets), Thống đốc cho biết Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu về kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới liên quan tới quản lý nhà nước về tài sản ảo và phòng ngừa những rủi ro liên quan. Đây cũng là nhiệm vụ Chính phủ giao một số bộ, ngành liên quan nghiên cứu về định hướng quản lý đối với tài sản ảo. Với vai trò là cơ quan phối hợp, NHNN mong muốn được học tập kinh nghiệm từ ICI, đặc biệt là về các vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý để có thể kiểm soát các rủi ro phát sinh từ tài sản ảo ở khía cạnh phòng chống rửa tiền (AML).

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Romania (Diễn đàn), Thủ tướng Chính phủ chia sẻ trải qua gần 75 năm, quan hệ truyền thống Việt Nam - Romania phát triển tốt đẹp; được xây đắp và thử thách qua các thời kỳ lịch sử, những năm gần đây, quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Romania được mở rộng và đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, lao động, du lịch, giáo dục và đào tạo…; đặc biệt, lòng tin chính trị giữa hai nước ngày càng nâng lên. Nền tảng quan hệ chính trị tốt và việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã mang lại nhiều tiềm năng cho các hoạt động đầu tư, hợp tác, thương mại giữa hai nước có cơ sở phát triển. Thủ tướng khẳng định trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Romania đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam; tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ hợp tác, đầu tư, góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao, vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, mang lại phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Romania mong muốn hai bên tăng cường trao đổi kinh tế và đầu tư, ủng hộ các công ty Việt Nam và Romania đầu tư vào thị trường hai nước, trong đó tập trung vào các công ty vừa và nhỏ và mở rộng danh mục sản phẩm. Thủ tướng Marcel Ciolacu tin rằng Romania có nhiều lĩnh vực Việt Nam có thể quan tâm đầu tư như dược phẩm, nông nghiệp đồng thời mong muốn doanh nghiệp hai quốc gia khai thác tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu, đồng thời Thủ tướng chào đón các doanh nghiệp Việt Nam sang Romania đầu tư, giao thương để tăng cường trao đổi hàng hóa.

Các Bộ trưởng,Thống đốc NHNN đối thoại chính sách với các Đối tác Romania

Tại phần đối thoại giữa doanh nghiệp hai nước, các bên đã trao đổi về các cơ hội hợp tác đầu tư nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Romania.

Đại diện cho các ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia Diễn đàn, Vietcombank đã có bài trình bày giới thiệu về nền kinh tế Việt Nam với những đặc điểm nổi bật, các xu hướng và cơ hội thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đại điện Ngân hàng Vietcombank cung cấp tới các nhà đầu tư Romania thông tin về các loại hình dịch vụ đa dạng mà các các ngân hàng Việt Nam có thể cung cấp. Về cơ sở hạ tầng, các ngân hàng thương mại Việt Nam luôn đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tốt nhất đến với mọi đối tượng khách hàng không chỉ giới hạn ở các dịch vụ ngân hàng truyền thống mà còn đa dạng hóa dịch vụ bao gồm tư vấn, kết nối cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư. Vietcombank khẳng định với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của NHNN sẽ phát huy và thúc đẩy vai trò là cầu nối cho hoạt động giao thương giữa hai quốc gia, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - Romania trong thời gian tới. Những lợi thế này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể hoàn toàn tin tưởng khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh và gia nhập thị trường Việt Nam.

Đại diện Vietcombank trình bày tại Diễn đàn

Vào ngày 22/1/2024, Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Romania; đây cũng là điểm đến cuối cùng trong chuỗi sự kiện tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 tại Davos và thăm chính thức các nước đối tác.

Theo sbv.gov.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng