Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự các sự kiện nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 tại Davos

(Banker.vn) Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 17/01/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tham dự Tọa đàm với Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu, Tọa đàm với các nhà đầu tư tài chính và các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ cùng các hoạt động song phương bên lề Hội nghị.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 17/01/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tham dự Tọa đàm với Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu, Tọa đàm với các nhà đầu tư tài chính và các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ cùng các hoạt động song phương bên lề Hội nghị.
 
 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
 
Tọa đàm với Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) về “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN cùng Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham dự Tọa đàm với Tổ chức các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) về “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, YPO và Tập đoàn VinaCapital phối hợp tổ chức.

Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital đánh giá năm 2023, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng ở mức 5,05%, lạm phát được kiểm soát tốt, các biện pháp tài khóa được triển khai phù hợp, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, thu hút FDI đạt mức cao. Tổng Giám đốc VinaCapital khẳng định Chính phủ Việt Nam đã tạo dựng một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch, bảo đảm đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu với Việt Nam và chia sẻ trong bối cảnh khó khăn vừa qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trong nền kinh tế, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác.

Tại buổi Tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ đã nêu bật thông điệp: Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực làm cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài và lấy ngoại lực làm quan trọng, đột phá; đồng thời, đẩy mạnh triển khai 03 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà lãnh đạo trẻ mạnh dạn, chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt cơ hội để hợp tác phát triển, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ quan điểm chính sách về công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, tính ổn định của VND. Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, Thống đốc cho biết điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn trong năm 2023 đã đặt ra các thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá. Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành nhất quán chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng tạo sự hấp dẫn cho VND, kiên trì kiểm soát lạm phát để tạo niềm tin vào VND.

Về lãi suất, mặc dù lãi suất thế giới trong năm 2022 - 2023 tiếp tục được neo ở mức cao khi các NHTW trên thế giới tiến hành thắt chặt tiền tệ, Việt Nam đã điều hành giảm mặt bằng lãi suất; nhờ đó, tỷ giá được duy trì ổn định. Chính sách lãi suất, tỷ giá được điều hành linh hoạt theo hướng tăng tính hấp dẫn của VND. Năm 2022, VND mất giá 3,5% trong khi đó năm 2023 mất giá 2,9%. VND là một trong số các đồng tiền có tính ổn định nhất trong khu vực và thế giới.

Năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn. NHNN sẽ theo dõi sát tình hình thị trường trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả và chắc chắn. NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu và cách thức điều hành nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối. Đây được coi là các nhân tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Các hoạt động song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2024

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã tham dự buổi tiếp ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn Skandinaviska Enskilda Banken (SEB - Thụy Điển).

Ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SEB và các cộng sự bày tỏ ấn tượng sâu sắc về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua cùng các thành quả hội nhập kinh tế quốc tế và vai trò ngày càng nâng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ông Wallenberg cũng khẳng định Việt Nam là điểm đến rất quan trọng và thể hiện mong muốn hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ông chia sẻ dự kiến tổ chức Hội nghị doanh nghiệp khu vực Bắc Âu tại Hà Nội vào Quý I, 2024 để tiếp tục tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là sự phát triển công nghiệp, chuyển đổi số, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả đã đạt được của SEB trong thời gian qua và hoan nghênh kế hoạch phát triển của Tập đoàn tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các tổ chức có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ. Trên nền tảng quan hệ rất tốt đẹp giữa Việt Nam - Thụy Điển, Thủ tướng đề nghị SEB tham gia thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt nghiên cứu khả năng đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Skandinaviska Enskilda Banken, tiền thân là ngân hàng SEB, là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Bắc Âu, được thành lập năm 1856 và hiện có 400.000 khách hàng doanh nghiệp và 4.000.000 khách hàng cá nhân. SEB hiện là cổ đông lớn của nhiều tập đoàn như Ericsson (viễn thông), Astra Zeneca (dược phẩm), Electrolux (gia dụng), Grand Hotel (khách sạn), ABB (thiết bị điện, tự động hóa)…

 



Quang cảnh buổi tiếp song phương

Cũng trong buổi sáng ngày 17/1/2024, Thống đốc đã tham dự các buổi tiếp song phương của Thủ tướng Chính phủ với Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan…

Từ ngày 18 - 20/1/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Hungary. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary đầu tiên của Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời là cơ hội để chia sẻ, hợp tác, phát triển giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhằm mang lại lợi ích cho người dân hai quốc gia.

Theo Phòng HNĐP - Vụ HTQT/sbv.gov.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng