Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Người dân chưa sẵn sàng mua nhà, đất

(Banker.vn) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm do người dân chưa sẵn sàng mua nhà, đất.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay Cử tri kiến nghị về việc khó vay vốn tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng đã giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Lý giải điều này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 ngày 4/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Người dân chưa sẵn sàng mua nhà, đất
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023

Liên quan đến gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, Thống đốc cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng.

Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Về phía điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp nhưng Thống đốc kiến nghị các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cần được quan tâm.

Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường bất động sản, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh giá của bất động sản.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Người dân chưa sẵn sàng mua nhà, đất
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm do người dân chưa sẵn sàng mua nhà, đất

Trên mặt bằng chung, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước xác định từ 14-15% tăng trưởng tín dụng để phù hợp với kỳ vọng hay đúng hơn là chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong vòng 4,5%.

Tuy nhiên đến nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vào khoảng 4,16%, tương ứng số tiền gửi huy động là 12.691.000 tỷ đồng. Có nghĩa là huy động cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư.

Theo Phó Thống đốc, tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh vì 3 lý do.

Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.

Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương