Thời 'thắt lưng buộc bụng' của doanh nghiệp địa ốc

(Banker.vn) Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải nỗ lực không ngừng để duy trì hoạt động kinh doanh, chờ đợi "qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai"...
Thời 'thắt lưng buộc bụng' của doanh nghiệp địa ốc
Khó tiếp cận nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản than trời vì thiếu hụt dòng tiền, thanh khoản sụt giảm...

Thời 'thắt lưng buộc bụng'

Thời gian qua thực sự là chuỗi ngày u ám đối với thị trường bất động sản trong nước. Vừa hứng chịu cú đấm trực diện của đại dịch Covid-19, vết thương chưa kịp hồi phục, đã nhận thêm cú đấm bồi từ loạt sự kiện tiêu cực liên quan đến chứng khoán.

Thị trường vốn bỗng chốc vắng lạnh đi trông thấy, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nhiều bề. Chưa kể, việc Chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra cũng làm không khí của thị trường trở nên khá căng thẳng.

Khó tiếp cận nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản than trời vì thiếu hụt dòng tiền, thanh khoản sụt giảm... Nhằm khơi thông dòng tiền cho chủ đầu tư, thúc đẩy tiến độ xây dựng công trình và hâm nóng thị trường bất động sản đang nguội lạnh, "van" tín dụng đã được nới lỏng hơn, nhưng vẫn không đủ giúp doanh nghiệp hết "khát vốn".

Nhiều doanh nghiệp phải nỗ lực không ngừng để duy trì hoạt động kinh doanh, chờ đợi "qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai", vừa "thắt lưng buộc bụng", siết chặt các chính sách chi tiêu, vừa tập trung kiếm tìm những nguồn vốn mới.

Theo lời chia sẻ của giám đốc công ty bất động sản có tiếng ở Hà Nội, trong tháng này, họ đã ngừng tuyển dụng thêm nhân viên và hủy bỏ các vị trí mới trúng tuyển. Để ứng phó với gánh nặng chi phí lương, doanh nghiệp chọn cách giảm lương nhân viên theo phương thức lũy tiến, mức giảm cao nhất có thể lên đến 50%.

Thậm chí, với những bộ phận không quá quan trọng, doanh nghiệp quyết định cắt giảm nhân sự để đưa chi phí lương và chi phí quản trị điều hành xuống mức thấp nhất. "Hiện mục tiêu lớn nhất phải là tồn tại, chứ không còn là tăng trưởng như trước", đại diện công ty này cho biết.

Tương tự, một nhà môi giới bất động sản có tiếng trên thị trường phía Nam cũng vừa thông qua kế hoạch định biên nhân sự với số lượng nhân viên bị cắt giảm lớn nhất từ khi thành lập. Ví dụ, một chi nhánh trước đây có 500 nhân viên bán hàng, thì nay chỉ còn 100 người.

"Dù không cam lòng, nhưng chúng tôi phải làm như vậy để hạn chế thua lỗ, hy vọng có thể cầm cự đến cuối năm. Bản thân các lãnh đạo cũng sẽ không nhận lương và thắt chặt chính sách chi tiêu của công ty cho đến khi có thể cởi bỏ áp lực tài chính" vị lãnh đạo ngậm ngùi và cho biết thêm "Đối với nhân viên bị ảnh hưởng bởi quá trình thay đổi này, chúng tôi có dành ra một khoản hỗ trợ, dù không nhiều nhưng nó thay lời cám ơn vì đã cống hiến cho công ty".

Vay 'nóng' với lãi suất cao

Cũng có không ít doanh nghiệp lựa chọn chiến lược táo bạo hơn, đó là tìm vay vốn bên ngoài, hay còn gọi là vay tín dụng "đen" với lãi suất rất cao để thanh toán các khoản chi cần thiết. Điều này đẩy họ đến rủi ro trả nợ lớn, tạo vòng luẩn quẩn, có thể phải bán bớt tài sản, dự án, hoặc bán sản phẩm bất động sản với chiết khấu sâu.

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trước vô vàn khó khăn, có doanh nghiệp đã bán sản phẩm nhà ở của mình với giá thấp hơn đến 40% so với giá trị hợp đồng. Tưởng chừng điều này sẽ có lợi cho khách hàng khi được mua với giá rẻ, nhưng thực chất tiềm ẩn rủi ro không hề nhỏ bởi phần lớn những sản phẩm này là nhà ở hình thành trong tương lai.

Đặc biệt, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Trước bối cảnh tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới "room" tín dụng thêm khoảng 1-2% để có nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, đồng thời khơi thông dòng vốn tín dụng bất động sản.

HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Đồng thời, cần “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị xem xét, tháo gỡ “vướng mắc” về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Theo HoREA, tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường bất động sản bị khủng hoảng “đóng băng” trong giai đoạn 2008 - 2013.

Cụ thể, vào thời điểm 2007, thị trường bất động sản nóng sốt “bong bóng” và từ đầu năm 2008 thì bị “đóng băng”. Đây cũng là năm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó năm 2023 có nguy cơ xảy ra lạm phát, suy thoái kinh tế và ba quý đầu năm 2022 cũng bị sốt giá nhà đất.

Vấn đề mới, theo HoREA, cần quan tâm so với năm 2007 - 2008 là năm 2023 - 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nên rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt.

Theo thống kê của HoREA, đến tháng 6/2022, số liệu của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản và đáng quan ngại đối với hàng tồn kho thuộc các dự án dở dang, nên cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý để tháo gỡ...

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán