Thiếu vaccine tiêm chủng: Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi Bộ Y tế có trốn tránh trách nhiệm?

(Banker.vn) Thiếu vaccine, vật tư y tế, thuốc điều trị được đại biểu quốc hội quan tâm, tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế được cho là chưa thỏa đáng.
Đảm bảo không để thiếu thuốc phòng chống dịch bệnh Vụ tiêm vắc xin hết hạn sử dụng ở Thanh Hóa, Bộ Y tế yêu cầu làm rõ trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế: Mong sớm xóa bỏ tâm lý “sợ mua sắm, sợ đấu thầu”

Chiều 31/5 sau khi Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư, y tế, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng như giải pháp của Bộ Y tế, một số đại biểu cho rằng phần trả lời chưa thỏa đáng, Bộ Y tế đang trốn tránh trách nhiệm.

Có thể khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua đó chính là một phần lớn nhờ thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thiếu vaccine tiêm chủng: Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi Bộ Y tế có trốn tránh trách nhiệm?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trong phiên thảo luận, chất vấn sáng ngày 31/5 tại hội trường

Sáng ngày 1/6, trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những bệnh cơ bản như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm não… được xóa sổ nhờ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phát huy hiệu quả, do vậy nhiều trẻ em đã sống sót, không bị mắc các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên tiêm vaccine cần được tiêm đủ liều, đúng thời gian, thuốc đảm bảo chất lượng thì mới giữ vững được kết quả.

Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra tai các địa phương và đến nay chưa được giải quyết, trong khi nhu cầu tiêm chủng ngày càng tăng cao.

Năm 2014 do thiếu vaccine nên nhiều trẻ em chết bởi bệnh sởi, tình trạng này tiếp tục xảy ra trong năm nay, tôi đánh giá rất nguy hiểm”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Vậy đâu là nguyên nhân khan hiếm vaccine? Trả lời câu hỏi này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, nguyên nhân do công tác lập kế hoạch cũng như điều hành để làm sao kịp thời có vaccine. Mặc dù có một thời gian chuỗi cung ứng bị đứt gãy do doanh nghiệp sản xuất có sự thay đổi. Nhưng đối với mặt hàng vaccine không có nhiều nhà cung cấp, trong nước có những sản phẩm được sản xuất rất tốt, ở nước ngoài nguồn cung không thiếu. “Thủ tục làm làm sao để có vaccine hợp pháp đúng thời hạn, có chất lượng mới là vấn đề”- Đại biểu Lan cho biết.

Thiếu vaccine tiêm chủng: Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi Bộ Y tế có trốn tránh trách nhiệm?
Bộ trưởng Bộ Y tế tại phiên thảo luận, chất vấn

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay, đối với tiêm chủng mở rộng, vaccine là mặt hàng đặc biệt, có ít nhà cung cấp, chuyện báo trước phải có thời hạn để sản xuất cho kịp. Đồng thời, với số lượng lớn được thông báo trước nếu mua tập trung chúng ta có thể thương lượng được mức giá hết sức phù hợp. Vaccine không như những thuốc bình thường để có thể tiến hành đấu thầu riêng rẽ. Để đảm bảo nhu cầu, mọi năm chúng ta tập trung tất cả nhu cầu vaccine và Bộ Y tế tiến hành đấu thầu.

Tuy nhiên 2022 có sự thay đổi, sự thay đổi được giải thích do ngân sách trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia được chuyển về cho ngân sách địa phương, từ đó Bộ Y tế phân công đề nghị địa phương tự đấu thầu.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, địa phương tự đấu thầu không khả thi. Lý do, khi chẻ nhỏ ra 63 tỉnh, thành đồng nghĩa có 63 hội đồng đấu thầu, số lượng ít, khó đàm phán giá, đôi khi nhà sản xuất chỉ sản xuất với đơn hàng số lượng lớn do tính chất đặc thù được nói ở trên.

Liên quan vấn đề lưu trữ vaccine, cách làm trước đây Bộ Y tế sẽ đấu thầu sau đó nhập vaccine về hoặc vaccine sản xuất ra sẽ được trữ trong các kho của các Viện như: Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Paster, hệ thống bệnh viên ở các tỉnh thành của Bộ y tế. Mỗi tỉnh thành khi có nhu cầu tiêm chủng, hệ thống các cơ sở y tế tại địa phương, các CDC sẽ lên kế hoạch, sau đó đến nơi trữ vaccine để nhận.

Thiếu vaccine tiêm chủng: Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi Bộ Y tế có trốn tránh trách nhiệm?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ với báo chí bên lề hanh lang Quốc hội sáng 1/6

Cũng theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, vaccine xin là mặt hàng đòi hỏi điều kiện khắt khe, đa số phải đáp ứng về nhiệt độ lạnh, thậm chí rất lạnh mới bảo đảm được chất lượng. Nếu chia nhỏ về 63 tỉnh, thành với từng hợp đồng thầu, về điều kiện lưu trữ không khả thi.

Bên cạnh đó, có trường hợp ở giữa các địa phương vắc xin tiêm chủng mở rộng trúng thầu khác nhau, Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như các cháu bé đi tiêm phòng vì một lý do gì đó tiêm mũi 1 ở địa phương này xong qua địa phương khác tiêm mũi 2, mũi 2 lại không phải loại vắc xin như mũi 1 cháu bé đã tiêm? Chắc chắn không bảo đảm độ an toàn.

Tôi cho rằng, Bộ Y yế viện cớ vào nguồn ngân sách để đùn đẩy cho các địa phương trong việc đấu thầu là không hợp lý. Vì sao? Ngay cả thuốc cũng do ngân sách địa phương, địa phương nào/ bệnh viện nào có ngân sách địa phương/bệnh viện đó nhưng chúng ta vẫn lựa chọn một số mặt hàng thuốc để đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói và cho biết thêm: “Theo tôi giải pháp tốt nhất là Bộ Y tế đứng ra đàm phán giá, đặt hàng sản xuất với số lượng lớn của toàn quốc, tiếp tục dự trữ tại các Viện của Trung ương và gia về cho các địa phương theo nhu cầu. Chỉ có điều ngân sách chi trả vẫn là ngân sách địa phương. Tiền nào cũng là tiền thuế của dân, đây là chương trình an sinh xã hội, là mục tiêu quốc gia để đẩy lùi bệnh tật. Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo Bộ Y tế là phải làm như mọi năm chỉ khác nguồn chi”.

Bản thân tôi đã chất vấn tại Quốc hội trong buổi làm việc ngày 31/5 về tình hình kinh tế- xã hội, vậy thì tóm lại tới chừng nào có vaccine. Rất tiếc chưa có câu trả lời trực tiếp” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.

Vị nữ đại biểu Tp Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính phủ đã có chỉ đạo, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất, chúng ta phải làm sao để mục tiêu sau cùng có thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý. Vì vậy, phải tăng cường hình thức như đàm phán giá hay đấu thầu tập trung, tập trung ở đây là tập trung mức độ quốc gia. Vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng tất cả những tiêu chí có thể đàm phán ở mức độ quốc gia. Nếu Bộ Y tế không làm nghĩa là đang trốn tránh trách nhiệm

Đấu thầu tập trung quốc gia sẽ có lợi nhất, ngân sách không phải lý do chính đáng để chuyển về địa phương. Các địa phương đang rất bị động. Các địa phương kêu lên Bộ, Bộ ngay cả giải thích với Quốc hội như phiên giải trình chiều hôm qua 31/5 cũng chưa trả lời được dứt khoát bắt tay vào làm thì thế nào? Theo như tôi được biết, đến giờ chưa địa phương nào tiến hành đấu thầu để mua vaccine. Cho đến giờ chỉ đạo của Bộ Y tế cho các địa phương tự đấu thầu nó vẫn còn nguyên giá trị, chưa có một văn bản nào ra quyết định thu hồi”- Đại biểu Lan cho hay.

Trong phiên chất vấn chiều 31/5, đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị việc đấu thầu vaccine trong chương trình mục tiêu tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế giao cho địa phương tổ chức đấu thầu là chưa phù hợp. Bởi vì, nếu giao cho các địa phương tổ chức đấu thầu thì sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng, giá cả. Việc đấu thầu sẽ chậm trễ, không điều phối được việc thừa, việc thiếu vaccine và sẽ không đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc. Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đấu thầu tập trung cả nước để cấp vaccine cho các đơn vị trên địa bàn toàn quốc. Để có một chương trình tiêm chủng mở rộng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, đề nghị Chính phủ cân đối ngân sách trung ương để thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương