Thị trường xuất khẩu dệt may đang ấm dần

(Banker.vn) Dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8/2023 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường đang ấm dần, người lao động vẫn được đảm bảo việc làm.
Doanh nghiệp dệt may Nghệ An xuất khẩu hậu Covid-19: Khởi động đầy lạc quanDoanh nghiệp dệt may tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP khi xuất khẩu sang Canada

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. Cụ thể hơn, về đơn hàng tuy còn thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân trong quý IV, sụt giảm về doanh thu và khó khăn cũng bớt đi.

Có được kết quả này là do thời gian qua tình trạng giảm sút trong ngành dệt may kéo dài, khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may phục hồi trở lại, các thị trường cũng có nhu cầu mới.

Mặc dù thị trường vẫn khó về giá, cạnh tranh về đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng doanh nghiệp rất nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu nên đã thúc đẩy được tiêu thụ và hợp đồng với đối tác” ông Phạm Xuân Hồng nói.

Bình đẳng giới giúp ngành dệt may, da giày phục hồi tốt hơn sau đại dịch
Thị trường dệt may đang ấm dần. Ảnh: Cấn Dũng

Liên quan tới các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đáp ứng được (trừ quy định liên quan tới tái chế còn chưa thực sự rõ thông tin), còn về khí thải, môi trường thì hoàn toàn đáp ứng được.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Tương tự như phân tích của Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, thông tin được các đơn vị nghiên cứu thị trường đưa ra cũng cho thấy, thị trường dệt may có khả năng ấm dần về cuối năm.

Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2023.

SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022 và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.

Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, chuyên gia của SSI Research cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.

Tỷ lệ thuận với những tín hiệu thị trường trên, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đang ổn định dần sản xuất. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số doanh nghiệp có được kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 8/2023 khi đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 8/2022.

Để đạt được kết qua này, doanh nghiệp đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng.

Ở tầm vĩ mô, báo cáo vĩ mô tháng 8/2023 của Bảo Việt Securities (BVSC) nhận định, nhiều khả năng trong quý III/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ và có thể kéo tăng trưởng trung bình trong 3 quý đầu năm quay trở lại mức tăng trưởng dương. Cụ thể, với mức tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp có thể đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý III.

Đáng chú ý, BVSC khẳng định chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành dệt, sản xuất sợi, sản xuất kim loại, sản xuất sắt thép gang, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế đã có diễn biến tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành sản xuất gỗ, sản xuất trang phục đã quay trở lại tăng trưởng dương trong tháng 8.

Như vậy có thể thấy, thị trường dệt may dường như đang ấm dần lên. Những nỗ lực của doanh nghiệp trong tìm kiếm đơn hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngày một khó, cộng hưởng với sự đồng hành của Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến mở rộng thị trường, hy vọng, ngành dệt may Việt Nam sớm “thoát đáy”, dần hồi phục sản xuất, xuất khẩu.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương