Thị trường ví điện tử: Miếng mồi ngon hay thách thức lớn?

(Banker.vn) Bên cạnh những tiềm năng to lớn, thị trường ví điện tử tại Việt Nam trong những năm qua cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước “nới” hạn mức giao dịch qua ví điện tử Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có vốn tối thiểu 50 tỷ đồng Sau 9 năm hoạt động, ví điện tử Moca bất ngờ thông báo dừng hoạt động

Thị trường ví điện tử bùng nổ

Ví điện tử được ra đời đầu tiên vào năm 2008 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử đang tìm kiếm những công cụ thanh toán phù hợp, nhanh chóng để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng cũng như với kỳ vọng giúp việc mua bán trở nên tiện lợi, dễ dàng hơn.

Theo đó, ví điện tử là một tài khoản điện tử dùng để thanh toán hóa đơn cũng như các loại giao dịch trực tuyến, hỗ trợ người dùng thanh toán các loại phí trên Internet như: Hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước Internet, cước truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng, chuyển tiền, mua sắm online,…

Nếu như năm 2015, cả thị trường Việt Nam có khoảng 5 ví điện tử được cấp phép hoạt động. Tính đến hết tháng 3/2024, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, có 51 doanh nghiệp không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của thị trường ví điện tử tại Việt Nam phần lớn là do số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng cao.

Theo báo cáo thống kê số liệu của Statista (đơn vị chuyên thu thập dữ liệu), tính đến năm 2023, tại Việt Nam có hơn 74 triệu người dùng internet, chiếm 75% dân số. Tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cũng đạt 84%.

Thị trường ví điện tử: Miếng mồi ngon hay thách thức lớn?
Top 10 quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất - (Nguồn: Statista).

Miếng mồi ngon cho các nhà đầu tư nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức

Thị trường này được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 20-30% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025.

Hiện nay, nhiều ông lớn trong ngành công nghệ, tài chính và bán lẻ đã tham gia vào thị trường ví điện tử, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đứng đầu hiện nay. Có thể kể đến như Momo, Zalo Pay, Shopee Pay, Viettel Pay, VNPay,... trong đó, MoMo là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất, đây cũng có thể coi là một trong những ví điện tử mở ra thời đại công nghệ thanh toán bằng ví điện tử ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm cuối năm 2023, tại nước ta 36,23 triệu ví điện tử đang hoạt động (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là gần 3.000 tỷ đồng. Dự báo đến cuối năm 2024, con số này có thể tăng lên 50 triệu ví điện tử hoạt động tại Việt Nam.

Những con số trên cho thấy sức hấp dẫn của thị trường ví điện tử trước thời điểm Chính phủ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện.

Thị trường ví điện tử: Miếng mồi ngon hay thách thức lớn?
Thị trường ví điện tử tại Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư - (Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh những tiềm năng to lớn, thị trường ví điện tử tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết.

Vừa qua, Moca - ví điện tử chủ yếu trên ứng dụng Grab - thông báo ngừng hoạt động với lý do nhằm "thực hiện chiến lược tái cấu trúc", điều này đã phần nào phản ánh sự khắc nghiệt tại thị trường số Việt Nam. Rất có thể miếng bánh thị phần sẽ được chia lại lần nữa, tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng công nghệ, tài chính.

Hiện nay, các nhà cung cấp ví điện tử cũng đang phải đối mặt với các thách thức làm sao để giữ chân được khách hàng trung thành. Để làm được điều đó, không ít các doanh nghiệp đã phải chịu lỗ để đổ tiền vào các chương trình khuyến mãi. Bởi người dùng thường có xu hướng thiên về các chương trình khuyến mãi và sau đó chuyển sang nhà cung cấp khác. Điều này đòi hỏi các nỗ lực quảng bá liên tục của ví điện tử và cổng thanh toán, dẫn đến gánh nặng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề về an ninh mạng của các ví này cũng được người dùng hết mực quan tâm. Các nhà cung cấp phải cố gắng nâng cao tính bảo mật của ví và liên tục xây dựng nhiều lớp bảo mật để tối ưu rủi ro cho khách hàng. Mặc dù thế, người dùng cũng không thể tránh khỏi những nguyên nhân chủ quan như bị mất điện thoại hay vô tình bị đánh cắp thông tin khi sử dụng smartphone. Điều này đòi hỏi các nhà cung cấp phải làm sao để gia tăng tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.

Tựu chung, thị trường ví điện tử Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều tiềm năng to lớn, thu hút đông đảo nhà đầu tư bởi quy mô thị trường. Cùng với đó, nhu cầu thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ khiến cuộc chơi này ngày càng trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết để có thể phát triển bền vững hơn.

Bùi Võ Minh Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục