Thị trường trung gian thanh toán còn tươi sáng, nhiều cơ hội phát triển trong tương lai

(Banker.vn) Chiều ngày 31/7, trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt thường kỳ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (CLB VietFintech) tổ chức Hội thảo “Tương lai của trung gian thanh toán Việt Nam”.
toan-canh-310724.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech cho biết, theo xu hướng chuyển đổi số của thế giới, trong 5 năm qua, lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hơn 50 đơn vị trung gian thanh toán (TGTT) được cấp phép, trong đó, có 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử lớn trong nước lẫn khu vực và 3 doanh nghiệp viễn thông đang triển khai thí điểm Mobile-Money.

Hệ thống văn bản pháp luật quy định trong lĩnh vực này cũng đã và đang tiếp tục được ban hành, hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng và tích cực đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ TGTT trong việc khuyến khích, thúc đẩy TTKDTM.

ts-nguyen-quoc-hung-310724.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, phát biểu tại hội thảo
ong-hung-napas-310724.jpg
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ nhiệm CLB VietFintech, Phó Tổng Giám đốc NAPAS, phát biểu khai mạc hội thảo

Đánh giá về bức tranh chung của thị trường trung gian thanh toán tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, thị trường trung gian thanh toán ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với hệ thống thanh toán tức thời, sự phổ biến của QR Code cũng như sự “lên ngôi” của thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh doanh trên nền tảng số, “số hóa” dịch vụ truyền thống…

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tại Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt, cơ hội, thách thức đan xen nhưng nhìn chung lĩnh vực TGTT vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, khai mở các cơ hội mới từ xu hướng phát triển tích cực "số hóa" dịch vụ, kinh doanh số, thương mại điện tử xuyên biên giới và hành lang pháp lý tạo thuận lợi.

Ông Dũng cũng chỉ rõ sau giai đoạn phát triển nhanh của TGTT, thị trường còn tồn tại thách thức theo xu thế khó khăn của thế giới, cuộc “chạy đua” công nghệ giữa các ngân hàng và TGTT ngày càng đòi hỏi nhiều hơn sự đầu tư về nguồn lực, tài chính. Đặc biệt, tình trạng gian lận, lừa đảo ngày càng gia tăng, liên tục “tiến hóa” và trở thành vấn nạn chung của các TGTT.

vu-thanh-toan-310724.jpg
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các ngân hàng và tổ chức TGTT hiện đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cho các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng nền tảng ngân hàng của mình, hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng và an toàn bảo mật.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ NAPAS, MOMO, Viettel, FPT Pay, Visa đã chia sẻ các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử Việt Nam nhằm nâng cao thế mạnh trong việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho các ngân hàng vào TGTT; phát triển tài chính toàn diện bằng cách ứng dụng công nghệ như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), máy học (ML), hệ thống ra quyết định thông minh (IDS), hệ thống phát hiện gian lận (Fraud Detection) để mở rộng vùng phủ cho tổ chức tín dụng; các giải pháp phòng chống rủi ro gian lận, lừa đảo để bảo vệ người tiêu dùng thông qua xác thực không dùng mật khẩu, phát hiện ứng dụng giả mạo và bất thường trên các giao dịch, mã hóa để định danh và kết nối các API; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hợp tác phát triển hệ sinh thái số; xu hướng và lộ trình phát triển sản phẩm, giải pháp thanh toán chính phủ, hỗ trợ kinh tế số thông qua các công ty Fintech.

toa-dam-310724.jpg
Các chuyên gia trao đổi trong phiên thảo luận

Trao đổi về tương lai của TGTT Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, TGTT hay ví điện tử đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống người dân, từ đồng bằng cho đến các tỉnh miền núi, nông thôn. Điều đó cho thấy, phần lớn người dân đã đón nhận sự đổi mới trong lĩnh vực thanh toán. Bên cạnh đó, các Thông tư hướng dẫn của NHNN ban hành càng tạo điều kiện cho các TGTT hoạt động, thiết kế cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cân bằng tài chính toàn diện, mang lại lợi ích cho các bên liên quan và giúp thay đổi hành vi người tiêu dùng.

“Đó là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống”, đại diện MOMO nhận định đồng thời khẳng định “Thị trường TGTT còn tươi sáng, các tổ chức TGTT sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai”.

Đồng thời, các chuyên gia hy vọng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chuẩn hóa các quy định để tổ chức TGTT có thể tuân thủ và triển khai luật đồng bộ, thống nhất.

Trong khuôn khổ chương trình, CLB VietFintech đã tổ chức Lễ kết nạp thành viên mới, đánh dấu sự gia nhập CLB của FPT Pay và Công ty CP Fiza. Đây không chỉ là sự kiện cho thấy sự phát triển, lớn mạnh của tổ chức, mà còn cho thấy sự gắn kết và chia sẻ, cùng nhau phát triển các thành viên trong CLB.

ket-nap-hoi-vien-vietfintech-310724.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng và ông Nguyễn Đăng Hùng trao quyết định và tặng hoa tới đại diện các thành viên mới tham gia CLB VietFintech

Phát biểu bế mạc hội thảo trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt thường kỳ của CLB VietFintech, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, đánh giá cao nội dung và các chia sẻ, thảo luận tại hội thảo.

"Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, chất lượng và có hiệu quả của CLB VietFintech trên tinh thần gắn kết, tăng cường hiểu biết nghiệp vụ chuyên môn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống gian lận, tạo điều kiện cho hội viên nhìn rõ thử thách trong bối cảnh hiện nay để có định hướng phát triển phù hợp, đoàn kết tạo tiếng nói chung, tích cực tham gia góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách toàn diện hơn", ông Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

"Những buổi sinh hoạt hoạt như thế này chắc chắn sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và uy tín của CLB VietFintech", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA khẳng định.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ