Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hứa hẹn sôi động trở lại

(Banker.vn) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 hứa hẹn sự sôi động hơn nhờ môi trường lãi suất thấp, nguồn cung mở rộng và niềm tin nhà đầu tư cải thiện.
55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 12/2023 Năm 2023: Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.700 tỷ đồng Để doanh nghiệp trở lại thị trường

4 doanh nghiệp “mở hàng”

Từ đầu năm 2024 đến trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán (ngày 5/2/2024), thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỷ từ 4 doanh nghiệp.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu và trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.

Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải, một doanh nghiệp chưa đại chúng, phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 6,5%/năm.

Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm.

Trong đó, nổi bật có trái phiếu của CII với đặc điểm có tính chuyển đổi thành cổ phiếu đã thu hút sự tham gia của hơn 4 nghìn nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 80,14% tổng số lượng chào bán.

Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Triển vọng của kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023

Theo FiinGroup, so với giai đoạn sôi động, khi thị trường ghi nhận lần lượt 10.400 tỷ đồng và 19.700 tỷ đồng vào tháng 1/2021 cùng tháng 1/2022, con số đầu năm nay vẫn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu so với tổng giá trị phát hành cùng kỳ 2023, chỉ 490 tỷ đồng thì cũng không phải là thấp.

Cùng với đó, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ tháng qua đạt 74.500 tỷ đồng, giảm 24,5% so với mức bình quân tháng 12/2023. Trái phiếu ngân hàng là nhóm sôi động nhất, với các kỳ hạn ngắn cũng như dài hạn, thậm chí trên 7 năm.

Theo thông tin hiện hành, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới, như HB Bank, VietBank và 2 doanh nghiệp bất động sản gồm Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG).

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động

Nhận định về năm 2024, FiinGroup cho rằng, triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn năm 2023 vì một số lý do:

Thứ nhất, ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Mặc dù nhóm ngân hàng chưa công bố hết kế hoạch, song hầu hết các ngân hàng sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 (dự kiến 15% trên toàn hệ thống cho cả năm 2024) cũng như các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, ví dụ yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Hứa hẹn sôi động trở lại
Năm 2024, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn

Thứ hai, môi trường lãi suất thấp và thuận lợi cho huy động vốn dài hạn. Theo đó, để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn. Mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn được duy trì thấp như hiện nay, đồng thời lãi suất quốc tế có xu hướng giảm trong những năm tới. Đây sẽ là yếu tố xúc tác rất lớn cho các ngành và doanh nghiệp có nhu cầu vốn dài hạn có thể tính toán đến việc phát hành trái phiếu, chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô đã có sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

Thứ ba, các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại sau một năm 2023 suy giảm, do các vấn đề thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý. Ngoài ra, các thị trường bất động sản có thể cần thêm thời gian để có thể chứng kiến sự hồi phục mạnh trở lại nhưng những biện pháp tháo gỡ pháp lý, nhất là đối với phân khúc trung và thấp cấp sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý dự án để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Riêng với ngành hạ tầng, FiinGroup kỳ vọng từ các dự án hạ tầng bền vững như điện rác, nước thải, và các dự án có ỹ nghĩa về môi trường sẽ là xu hướng cho năm 2024 và nhiều năm tới đây. Riêng ngành năng lượng tái tạo sẽ cần thêm thời gian để ghi nhận sự sôi động của hoạt động phát hành trái phiếu cho đến khi các quy định cụ thể và hướng dẫn triển khai Quy hoạch điện VIII được ban hành.

Thứ tư, niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện, mặc dù các sự kiện vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình giải quyết và nhiều lô trái phiếu đã được xử lý về mặt kỹ thuật theo tinh thần của Nghị định 08 về tái cơ cấu nợ trái phiếu riêng lẻ, song FiinGroup đã ghi nhận sự tham gia nhất định của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào một số lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành bởi những doanh nghiệp đầu ngành, có rủi ro vừa phải và sự minh bạch cao về thông tin.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, 7% trong tổng số hơn 300 tỷ trái phiếu riêng lẻ chào bán thành công năm 2023 đã được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Tuy là mức rất khiêm tốn so với mức trên 30% những năm giai đoạn 2019-2022 song cũng là dấu hiệu đáng mừng về sự khôi phục niềm tin và sự chấp nhận rủi ro khi đầu tư sản phẩm này theo những quy định mới của Nghị định 65 về trái phiếu riêng lẻ.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục