Thị trường TPDN 'nguội lạnh', FiinRaitings cảnh báo khả năng huy động vốn trung hạn của F88

(Banker.vn) Theo FiinRaitings, về trung hạn, khả năng huy động vốn của F88 có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi cũng như bởi những thay đổi pháp lý và những gián đoạn trên thị trường vốn.
FiinRaitings cho rằng,khả năng huy động vốn mới của F88 có thể gặp khó trong giai đoạn tới.
FiinRaitings cho rằng,khả năng huy động vốn mới của F88 có thể gặp khó trong giai đoạn tới.

Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Kinh doanh F88 hiện đang còn lưu hành 8 mã trái phiếu với 1.709 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy, số dư nợ trái phiếu chưa thanh toán của F88 đang ở mức 1.170,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo FiinRaitings, việc lãi suất tăng và diễn biến bất lợi của tỷ giá sẽ có những tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của F88 do chi phí lãi vay cao hơn cho các khoản nợ mới và do chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái gia tăng.

Cùng với đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nguồn huy động chính của F88 trong những năm gần đây lại đang gặp khó với các quy định ngày càng theo hướng siết chặt. Do vậy, FiinRaitings cho rằng trong trung hạn, F88 có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc huy động mới vốn nợ trong nước và/hoặc xoay vòng vốn cho các khoản nợ hiện tại.

FiinRaitings nhận định khả năng thanh khoản của F88 sẽ duy trì ở mức vừa phải trong 12 tháng tới (tính từ thời điểm lập báo cáo, ngày 8/11/2022) dù vào cuối năm 2022, việc NHNN chấp thuận khoản vay dài hạn từ một tổ chức cho vay quốc tế (60 triệu USD) về cơ bản đã làm giảm đáng kể áp lực trả nợ cho năm 2023 của F88.

Tuy nhiên, trong kịch bản xấu với các giả định rằng F88 không huy động được vốn chủ sở hữu và nợ vay mới trong năm tới, F88 vẫn sẽ có mức thanh khoản ở mức vừa phải.

Trong một diễn biến liên quan đến tình hình tài chính của F88 mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 31/1/2023, Công ty CP Kinh doanh F88 (địa chỉ P.206, Tòa nhà N01A Số 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) nợ đóng bảo hiểm xã hội cho gần 2.200 lao động với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, F88 ra đời năm 2013 với mô hình Hệ thống cầm đồ toàn quốc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc F88 là ông Phùng Anh Tuấn. Trong phân khúc cho vay thay thế, F88 vẫn giữ vị thế hàng đầu dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ vượt trội của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay.

Về tiến độ mở rộng, F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm tháng 11/2022. Tính đến quý III/2022, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh là 3.357,5 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi Ngân hàng CIMB).

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, hệ thống cầm đồ F88 cũng để lại không ít tai tiếng trong thời gian gần đây.

Cụ thể, vừa qua Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại các điểm cầm đồ F88 ở Thanh Hóa.

Theo đó, trong đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hụi, họ, biêu, phường, thời gian qua Công an TP Thanh Hóa đã kiểm tra hành chính 7 chi nhánh, cơ sở kinh doanh cầm đồ F88 trên địa bàn.

Qua kiểm tra, công an phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty cổ phần kinh doanh F88 tại các phường Tân Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Quảng Tâm, Đông Sơn, Đông Thọ ở TP Thanh Hóa.

Những cơ sở trên có các vi phạm như: Lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản.

Căn cứ các biên bản vi phạm hành chính do công an lập, UBND TP Thanh Hóa đã ra nhiều quyết định xử phạt hành chính với các điểm kinh doanh F88 nêu trên với tổng số tiền 108 triệu đồng.

Theo Công an Thanh Hóa, các điểm cầm đồ của F88 ở địa phương này tuy lãi suất cầm cố và cho vay đều nằm trong hạn mức quy định, nhưng khi làm thủ tục cho vay, những cơ sở này yêu cầu khách hàng nộp thêm hàng loạt khoản phí như: Thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), quản lý tài sản cầm cố (2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…

Việc đặt ra các khoản phí như trên khiến tổng số tiền mà khách hàng phải trả rất cao. Ngoài ra, dù tính phí quản lý tài sản cầm cố, các điểm kinh doanh F88 ở TP Thanh Hóa lại không lưu giữ tài sản cầm cố tại kho bãi bảo quản đã đăng ký với cơ quan công an, mà xây dựng các điều khoản cho khách hàng thuê, mượn lại (có tính phí) đối với chính tài sản đã cầm cố.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán