Theo đó, bám sát tình hình thực tiễn của nền kinh tế nói chung và năng lực hấp thụ tín dụng nói riêng, NHNN đã có những giải pháp rất cụ thể đi theo để cải thiện tình hình, khắc phục tình trạng nửa đầu năm tài chính 2023 phát triển ỳ ạch.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đã ban hành kịp thời phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, sát thực tiễn của chính sách điều hành của ngành.
Ngay từ khi bước vào quý III, NHNN đã nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư này. Theo đó, NHNN đã quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vượt qua thách thức.
Mặt khác, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay từng bước được các ngân hàng giảm mạnh song song với đối tượng đầu tư phát triển nhanh xung quanh các dự án lớn của Nhà nước tăng tốc, bổ sung, đặc biệt là hơn 20 dự án khai trương mở đường giao thông, nhiều dự án hoàn thành đưa vào vận hành và mở nhiều chính sách kinh tế hướng nội nổi bật là các ngành du lịch, dịch vụ và kinh tế mới nông thôn được khuyến khích phát triển mạnh vào những tháng cuối năm theo chỉ đạo của Thủ tướng nên thị trường tín dụng đã có đất phát triển rất nhanh.
Từ đầu năm, NHNN đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất huy động kéo theo giảm lãi suất cho vay và triển khai các chính sách về cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp để tiếp vốn cho nền kinh tế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là các giải pháp vĩ mô kết hợp như tăng tổng phương tiện thanh toán; tăng thu hút ngoại hối để nhập nguyên nhiên liệu và công nghệ cho phát triển mạnh ở mọi thành phần kinh tế trong nước đã góp phần tạo ra tăng trưởng GDP liên tục có bước nhảy qua từng quý trong năm 2023 quí sau cao hơn quí trước: quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%, quý IV tăng trên 7,2% và kết thúc năm dương lịch, GDP bình quân đã đạt mức tăng 5,05% cả năm. Dù thấp hơn mục tiêu (6 đến 6,5%) nhưng GDP tăng 5,05% trong năm 2023 của Việt Nam là con số rất cao so với số gốc đã tăng cao từ năm 2022 (8,7%/2022) và nhất là so với mặt bằng chung của nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng bình quân không quá 2,9%...
Bằng mọi cố gắng, nếu tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,85%); huy động vốn của các NHTM tăng 10,85% (cùng thời điểm năm trước tăng 5,99%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,09% (cùng thời điểm năm trước tăng 12,87%), thì đến cuối năm 2023, riêng tăng trưởng tín dụng đã tăng tới 13,7% so với cuối năm 2022. Như vậy, tín dụng đã tăng trưởng rất mạnh trong tháng cuối năm 2023, trong đó chỉ trong hơn một tuần cuối cùng của tháng 12/2023, tín dụng đã tăng thêm 1,6% so với thống kê công bố ngày 21/12/2023. Hiện, lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân từ 2 đến 3% so với cuối năm 2022 và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm liên tục tương ứng trong những tháng cuối năm. Các TCTD kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm âm lịch năm nay khi sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đã và đang tăng mạnh nhờ các chính sách hướng nội đúng trọng điểm nền kinh tế của Chính phủ.
Từ thực tiễn diễn biến tín dụng vào nền kinh tế, có thể thấy, giảm lãi vay không phải là chìa khóa chính khiến tín dụng tăng mà một nhân tố mạnh không kém đã kìm hãm tín dụng là bởi cầu tín dụng không tăng, thậm chí giảm, do rủi ro từ môi trường kinh doanh và bởi các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh không rõ ràng hoặc quá lệ thuộc vào kinh tế đối ngoại khó thực thi, do khó khăn chung không chỉ từ nội tại nền kinh tế mà từ chính năng lực kém hấp dẫn của thị trường quốc tế.
Năm 2023 là một năm tiếp tục khó khăn chung cho nền kinh tế thế giới, với sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng GDP, sự xuất hiện các vách ngăn thương mại và đầu tư toàn cầu (nợ xấu tăng và lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia do phải chống lạm phát), cùng với những diễn biến căng thẳng của các xung đột vũ trang, diễn biến căng thẳng trên thị trường thanh toán khi loại trừ đồng Ruble của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Tiếp đó là những tác động từ phân mảnh công nghệ, thời tiết cực đoan, dịch bệnh diện rộng vẫn gia tăng và các cuộc di dân do thiên tai, do đói nghèo... đã kìm hãm nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm 2023.
Thực tế, chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia đã phải thắt chặt tạo áp lực lên các ngân hàng, cả trực tiếp (thông qua chi phí huy động vốn cao hơn) cả gián tiếp (do rủi ro tín dụng ngày càng tăng) làm cho lãi suất thực tế tăng ở hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là ở nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ và nhiều nước lớn ở khắp châu Âu, châu Á. Vì thế, sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, phân mảnh dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ, dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động đã ngày càng làm gia tăng biến động về giá cả hàng hóa và cản trở sự hợp tác đa phương trong việc trao đổi hàng hóa và lưu thông dòng vốn toàn cầu.
Để đối phó với tình trạng nói trên, sang đến đầu quý III, nhiều chính sách khuyến khích nền kinh tế hướng nội kịp thời của nước ta đã cho phép các NHTM trong nước mở rộng tín dụng song hành chuyển hướng theo chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm, từ đó đã tác động tích cực lên nhu cầu mở rộng và nâng cao năng lực hấp thụ tín dụng của thị trường nội địa trong hầu hết các thành phần kinh tế. Cụ thể theo thông tin từ cuộc họp của Chính phủ về tín dụng với NHNN ngày 30/11, đến cuối tháng 11/2023, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Tín dụng với lĩnh vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt dư nợ cho vay trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322.000 tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54% so với năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 45.400 tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng gần 18% so với năm 2022...
Như vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất thường, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung. Việt Nam đã không ngừng nâng tầm vị thế quốc tế trong năm qua. Tiếp nối đà phục hồi kinh tế khá ấn tượng từ năm 2022, GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021; Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 đạt 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm trước. Bước sang năm 2023, các chỉ số tương ứng nói trên căn bản đã tăng 5,05% theo tốc độ tăng chung của nền kinh tế, quy mô kinh tế Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 trong tổng số hơn 200 nền kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam đã và đang trở thành một nền kinh tế năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Việt Nam đứng thứ 7/30 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính 2IPD trong Báo cáo về hiện trạng phát triển bưu chính toàn cầu năm 2022 của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), với 174 nước thành viên công bố trong tháng 10/2023. Đặc biệt, với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20).
Tóm lại, thị trường tín dụng đã bám sát chính sách hướng nội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn và giữ vững vị thế là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu năm 2023. Kết thúc năm tài chính 2023 với mức tăng trưởng GDP 5,05% tuy chưa đạt mục tiêu đề ra, song trong bối cảnh thực tế rất khó khăn, phức tạp đa chiều của nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn lớn hơn gần hai lần tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới, trở thành đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20), kinh tế Việt Nam năm qua đã nằm trong Top 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Trong những thành tựu nói trên, vai trò đóng góp của thị trường vốn nói chung và đặc biệt là thị trường tín dụng nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế 5,05% với tăng trưởng tín dụng lên tới 13,5%, gấp hơn 2,5 lần là điều mà các nhà quản lý cần lưu tâm để chủ động cân đối phát triển kinh tế gắn với các giải pháp chủ động kiểm soát lạm phát có thể xẩy ra vào năm 2024.
TS. Nguyễn Đại Lai
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|