Trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 6 với chủ để: Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Invesment Banking (MSVN) chia sẻ, sau số liệu tháng 10, lạm phát ở Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, cho thấy chính sách tăng lãi suất của Fed đã phát huy hiệu quả. Fed có thể điều chỉnh dần việc tăng lãi suất, giữ tiến trình tăng lãi suất như đã cam kết với thị trường đến cuối năm sau sẽ đạt đỉnh.
Theo ông Thành, chỉ số USD-Index đã giảm dần từ 2 tuần gần đây khiến áp lực tỷ giá hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, một yếu tố khác cần quan tâm là lạm phát. Lạm phát không phải yếu tố của năm nay, nhưng năm sau, ít nhất nửa năm sau, ông Thành tin rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi vấn đề lạm phát rất cẩn thận vì chúng ta đã mất giá đồng Việt Nam khoảng 8%, chúng ta sẽ chịu áp lực nhập khẩu lạm phát một phần. Một phần khác là mức nền so sánh CPI năm 2021, 2022 rất tốt nhưng năm 2023 áp lực lạm phát sẽ phải quan tâm.
"Nếu đến tháng 6/2023, chúng ta thấy lạm phát được kiểm soát trong mức cho phép, sẽ có không gian để NHNN và cơ quan quản lý chấp nhận chính sách nới lỏng hơn, trong đó là cả giảm lãi suất và nới room tín dụng vào cuối năm", ông Thành nhận định.
Về chiến lược đầu tư, vị này cho biết cho biết đội ngũ phân tích của MSVN đang làm chiến lược đầu tư cho 2023, đánh giá trạng thái thị trường chứng khoán đang ở đâu. Ông Thành nêu, thị trường đã điều chỉnh từ tháng 4, đó chỉ là sự điều chỉnh do một sự kiện (thường khi thị trường điều chỉnh theo sự kiện sẽ chỉ kéo dài trong 3 – 8 tháng). Thực tế, thị trường giảm từ tháng 4 – 9, mất khoảng 27%. Trước đó, giai đoạn COVID-19, thị trường cũng là sự điều chỉnh theo sự kiện.
Nhưng nếu bước vào sự điều chỉnh mang tính chu kỳ, thị trường giảm kéo dài nhanh là khoảng 6 tháng, lâu là 12 tháng. "Trong kịch bản tốt, tôi cho rằng chúng ta sẽ có một thị trường thị trường điều chỉnh theo chu kỳ ngắn, tức 6 tháng và mức điều chỉnh sẽ theo định giá ở mức 900 – 950 điểm là hợp lý, tương ứng với định giá 10 lần P/E", ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, lãi suất ở mức cao kéo dài cả năm sau do yếu tố lạm phát, vị này cho là mức điều chỉnh hợp lý để nhà đầu tư so sánh giữa lãi suất chênh lệch thị trường và lãi suất tiền gửi, ở mức đâu đó thị trường điều chỉnh 9 lần, đối chiếu phần định giá thì 870 điểm là mức hợp lý.
Trong giai đoạn thị trường xuống 874 điểm rồi bật lại, dòng tiền nước ngoài, cụ thể là quỹ ETF Fubon Đài Loan (Trung Quốc) vào rất đúng lúc, có thể quỹ này đã nhìn thấy cơ hội rẻ. Việc thị trường phục hồi giai đoạn này với dòng tiền đầu tư nước ngoài hỗ trợ sẽ giúp thị trường tìm lại một chút cân bằng và niềm tin.
Tuy nhiên, theo quan điểm phân tích nhìn cho năm sau, ông Thành cho rằng, còn 20% rủi ro đến từ điều chỉnh do yếu tố cơ cấu, điều này quay lại thị trường trái phiếu, thanh khoản của thị trường. Đến giữa năm 2023, nếu chúng ta có những hành động cụ thể bên cạnh lời nói giúp thị trường trái phiếu có sự phục hồi, không kỳ vọng là phục hồi một cách mạnh mẽ, nhưng ít nhất là lợi suất trái phiếu phải có sự điều chỉnh trở lại từ mức 25% bình quân về lại mức 13 -15% cũng là cao, nhưng ít nhất là không rủi ro.
Theo ông Thành, NHNN phải có những hành động cụ thể để giúp room tín dụng bơm ra để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản để tránh rơi vào vỡ nợ liên quan đến trái phiếu bất động sản. Nếu không, niềm tin sẽ bị tác động rất nặng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái điểu chỉnh sâu theo cơ cấu.
Ông Thành nhận định: "Chúng ta nhìn vào điều chỉnh cơ cấu là lúc liên quan đến khủng hoảng tài chính năm 1997 hay 2008, đó là giai đoạn khủng hoảng liên quan đến cơ cấu, tỷ lệ vay nợ quá nhiều, chúng ta bước vào giai đoạn giảm nợ. Ở Việt Nam, chúng ta không đáng xảy ra khủng hoảng cơ cấu".
“Thay vì đi theo đám đông, đi theo dòng tiền, room như lúc thị trường hưng phấn, lúc này chúng ta cần đánh giá cơ bản, tìm ra định giá hợp lý doanh nghiệp mạnh để đầu tư tích sản. Quan điểm của tôi, đây là giai đoạn chúng ta kiên trì tìm cơ hội tích lũy dần cổ phiếu mang tính đầu tư, là cơ hội 10 năm có 1 lần. Còn giao dịch ngắn hạn, xác suất là 50 - 50”, ông Thành nói.
Để dự báo các tín hiệu cần có để dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán, chuyên gia MSVN cho rằng, cần nhìn vào yếu tố chi phí vốn, tín hiệu là lãi suất trái phiếu điều chỉnh lại. Thực tế, lãi suất trái phiếu sau khi đạt đỉnh cách đây 3 tuần đã giảm, điển hình là lãi suất trái phiếu NVL có tín hiệu giảm là điều tích cực, phản ánh tâm lý lo sợ, yếu tố thanh khoản đã được nới ra.
Ngoài ra, các thành viên thị trường kỳ vọng, các ngân hàng sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái bơm tiền. Điều này thể hiện qua thanh khoản trên thị trường dễ thở hơn và lãi suất trái phiếu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi hạ nhiệt bớt sẽ là tín hiệu cho thị trường phục hồi.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Chính động thái này của cơ quan quản lý đã mang lại hy vọng cho thị trường chứng khoán hồi phục vững chắc, sau những phiên tăng điểm trong nghi ngờ thời gian qua.
Ông Thành cũng khẳng định: “Thị trường đã cảm nhận thấy điều này và cũng có sự phục hồi hơn 1 tuần nay. Để tạo được con sóng lớn, dài, nếu bước vào giai đoạn lãi suất, chính sách được điều chỉnh, tức là chu kỳ tiền tệ bước vào giai đoạn nới lỏng, thì chúng ta thấy con sóng lớn và dài hơn”.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|