Thị trường thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao về tính bền vững

(Banker.vn) Phát triển bền vững đang là cụm từ được rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực quan tâm. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam.
Việt Nam: Thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống trên thế giới Hà Nội: Triển lãm thực phẩm và đồ uống diễn ra từ ngày 8-11/11/2023 Hưng Yên: Buộc tiêu hủy gần 7.000 lít rượu không đảm bảo chất lượng Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại Nghệ An

Việt Nam - thị trường thực phẩm tiềm năng cho doanh nghiệp toàn cầu

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, nhờ việc mở cửa và thúc đẩy du lịch, thị trường F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) và lưu trú Việt Nam đang khởi sắc với những dấu hiệu tích cực.

Doanh thu ngành F&B tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 610 nghìn tỷ, dự báo tăng trưởng 18% trong năm 2023 và đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.

Ông BT Tee - Tổng Giám Đốc Informa Markets Việt Nam đánh giá, Việt Nam nổi tiếng với nền ẩm thực đặc sắc, bên cạnh đó, ẩm thực quốc tế vẫn luôn được đón nhận rộng rãi trên thị trường Việt Nam, khi mang sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị hiếu của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt.

"Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, phát triển lớn cho các doanh nghiệp quốc tế trong ngành thực phẩm, nhà hàng và khách sạn…" - ông BT Tee nhận định.

Thị trường thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao về tính bền vững
Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, phát triển lớn cho các doanh nghiệp quốc tế trong ngành thực phẩm, nhà hàng và khách sạn…

Cũng theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm.

So sánh trong phạm vi Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam 2023 dự kiến xếp thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippines. Trong số các phân khúc của ngành thực phẩm Việt Nam, phân khúc bánh kẹo và đồ ăn nhẹ chiếm tỉ trọng lớn nhất là 14,6%, với khối lượng thị trường đạt khoảng 14,13 tỉ USD trong năm 2023.

Xét trên phân khúc đồ uống, số liệu của Statista cũng dự báo, doanh thu thị trường đồ uống Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 27,121 tỉ USD, trong đó, phân khúc đồ uống không cồn đóng góp tỷ trọng cao nhất ở mức 37,7%, cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Cụ thể, phân khúc đồ uống không cồn sẽ đạt mức doanh thu 10,22 tỉ USD trong năm 2023, cao hơn 10,4% so với năm 2022 và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2028 đạt 6,28%/năm.

Với những con số dự báo tên, ông Ralph Bean - Tham tán Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - nhìn nhận, Việt Nam là thị trường năng động và có độ tăng trưởng, đem đến cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp đồ uống, thực phẩm tại Hoa Kỳ.

Đòi hỏi cao về tính bền vững

Hiện nay, ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đồ uống thường chịu tác lớn khi biến đổi khí hậu phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn nguyên liệu. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hướng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là hiện nay, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Cùng với đó, những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết,, các nhà sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng. Thông tin từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, trong năm 2022, nhờ xanh hóa quy trình sản xuất nên doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp tăng hơn 60% so với kế hoạch.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài duy trì thị phần tại Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp đã tăng thêm đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Hay như với Vinamilk - thương hiệu ngành F&B có giá trị cao nhất năm 2022 (theo Forbes) liên tục đầu tư các công nghệ, giải pháp xanh, bền vững tại hệ thống trang trại, nhà máy sản xuất, cho thấy sự cam kết, nỗ lực với định hướng bền vững ở tầm chiến lược, dài hạn.

Ông BT Tee cũng cho rằng, bền vững là một giải pháp quan trọng. Các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam đang nỗ lực sử dụng ít nhựa và tái chế nhiều hơn.

"Bền vững ở mọi công đoạn. Như với thịt gà, chúng ta nên làm gì với phần xương còn lại?. Chúng ta không nên vứt bỏ, thay vào đó, hãy tận dụng nó, bạn có thể sử dụng chúng để nấu súp. Với thực phẩm như cá cũng vậy" - ông BT Tee nêu ví dụ và nhấn mạnh, điều quan trọng là chúng ta cần tận dụng mọi thứ. Thay vì sử dụng túi nilon, hộp nhựa khi mua hàng mang về, người tiêu dùng hãy ưu tiên việc sử dụng thực phẩm tại chỗ hoặc tái sử dụng thực phẩm và sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất.

Từ 21-23/11/2023, Triển lãm Quốc tế lần thứ hai về Thực phẩm, Đồ uống, Thiết bị làm bánh, Nhà hàng, Khách sạn và Cung ứng dịch vụ tại Việt Nam 2023” (Food & Hotel Hanoi 2023) sẽ diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, quận Hoàn Kiếm. Sự kiện thu hút 113 nhà trưng bày đến từ 13+ quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và nhiều thương hiệu Việt Nam khác. Dự kiến, triển lãm sẽ thu hút hơn 6.500 khách tham quan chuyên ngành.

Triển lãm được kỳ vọng là nơi trao đổi kiến thức và tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng cầu nối thúc đẩy thương mại, thu hút các doanh nghiệp quốc tế trong ngành thực phẩm, nhà hàng và khách sạn trên toàn quốc đến đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương