Thị trường nhiên liệu hàng không béo bở ra sao qua các thương vụ của "con đẻ" Petrolimex?

(Banker.vn) Là mặt hàng tương đối đặc thù phục vụ việc vận hành máy bay phản lực, các động cơ phản lực nên thị trường nhiên liệu hàng không không phải DN nào cũng có thể nhảy vào cuộc chơi. Các thương vụ của Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex - công ty con của Tập đoàn Petrolimex cho thấy thị trường này hấp dẫn, béo bở ra sao.

Những thương vụ lớn

Ngày 1/7/2024, Công ty CP nhiên liệu bay Petrolimex (Nhiên liệu bay Petrolimex) chính thức đưa hệ thống cung cấp nhiên liệu hàng không của mình tại Cảng hàng không Phú Quốc đi vào hoạt động bằng việc tra nạp nhiên liệu bay Jet A-1 cho máy bay B737-800 của Hãng hàng không Jeju Air. Được biết đây là điểm cung cấp và tra nạp nhiên liệu bay Jet A-1 thứ 9 tại Việt Nam của DN này. Trước đó là các điểm tại Nội Bài, Cát Bi, Điện Biên, Đà Nẵng, Liên Khương, Cam Ranh, Tây Sơn Nhất và Cà Mau.

Tại thị trường quốc tế, Nhiên liệu bay Petrolimex thiết lập mạng lưới cung cấp tại các quốc gia như Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…đáp ứng cho hàng chục hãng hàng không lớn trên thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Air France, Emirates, Singapore Airlines…Đến nay, DN này đã cung cấp nhiên liệu và dịch vụ tra nạp tại hơn 60 sân bay quốc tế.

Cuối năm 2023, Nhiên liệu bay Petrolimex cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 5 cơ sở cung cấp nhiên liệu đạt Chứng nhận vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức kiểm tra chung (Joint Inspection Group - JIG), bao gồm: Chi nhánh tại Nội Bài, Chi nhánh tại Đà Nẵng, Chi nhánh tại Cam Ranh, Chi nhánh tại Liên Khương và Chi nhánh tại Tp Hồ Chí Minh.

Những điểm nhấn trên cho thấy đây là “ông lớn” tại thị trường nhiên liệu hàng không Việt Nam. Vậy những thương vụ triệu đô của DN này là gì, đối tác là những ai? Tìm hiểu cho thấy, khách hàng của Nhiên liệu bay Petrolimex gồm nhiều tên tuổi như Vietjet Air, Bamboo Airways. Ngoài ra còn có nhiều DN, đơn vị sử dụng vốn của nhà nước hoặc một phần vốn ngân sách.

Sản phẩm của Nhiên liệu bay miền Bắc có mặt hầu khắp các cảng hàng không và sân bay tại Việt Nam
Sản phẩm của Nhiên liệu bay miền Bắc có mặt hầu khắp các cảng hàng không và sân bay tại Việt Nam

Theo tìm hiểu, ngày 10/6/2024, Tổng công ty Cảng hàng không VN-CTCP (ACV) thông báo mời gói thầu số 17a: Cung cấp nhiên liệu Jet A1 phục vụ công tác súc rửa và ngâm thử nghiệm hệ thống cung cấp nhiên liệu. Kết thúc quá trình lựa chọn nhà thầu, ngày 10/7/2024, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV ký quyết định số 2778 phê duyệt Nhiên liệu bay Petrolimex là đơn vị trúng thầu với mức giá 116.645.760.000 đồng. Được biết ACV là công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Trước đó ít ngày, vào ngày 5/7/2024, DN này trúng gói thầu số 01: Mua sắm nhiên liệu Jet A-1 thuộc chủ đầu tư là Trường sĩ quan Không quân – Trung đoàn 920. Được biết gói thầu này có giá 32.540.188.032 đồng. Nhiên liệu bay Petrolimex chào mức giá 29.386.383.576 đồng và thắng thầu.

Vẫn trong ngày 5/7/2024, tại Trường sĩ quan Không quân – Trung đoàn 910, Nhiên liệu bay Petrolimex được xướng tên là DN trúng gói thầu MS-01: Mua sắm nhiên liệu Jet A-1. Được biết, gói thầu có giá 41.837.391.552 đồng. Giá trúng là 38.862.540.794 đồng.

Tại Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không Không quân, DN này cũng ký được hợp đồng lớn khi thắng gói thầu có mức giá trên 38 tỷ đồng. Cụ thể, gói thầu MS-01: Cung cấp nhiên liệu Jet A1 đến sân bay Gia Lâm, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài có giá 38.274.962.906 đồng. Giá trúng là 38.199.397.016 đồng. Đây là mức giá trúng khiến dư luận rất băn khoăn bởi tỷ lệ tiết kiệm cho vốn đầu tư là rất thấp. Theo đó, gói thầu này được phê duyệt quyết định lựa chọn nhà thầu vào ngày 2/5/2024.

Như vậy, chỉ tính sơ bộ từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7/2024, tổng giá trị trúng thầu của Nhiên liệu bay Petrolimex tại 4 đơn vị có sử dụng vốn ngân sách và một phần vốn ngân sách là trên 200 tỷ đồng.

Quan sát việc mở thầu của 04 gói thầu trên thì chỉ có duy nhất một DN dự thầu là Nhiên liệu bay Petrolimex, mặc dù hình thức lựa chọn là đấu thầu rộng rãi.

Con đẻ của Petrolimex

Tìm hiểu cho thấy đây là DN chưa niêm yết nên thông tin tiếp cận là khá khó khăn. Theo đó, Nhiên liệu bay Petrolimex thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Vào thời điểm năm 2018, vốn điều lệ tăng lên 300 tỷ đồng với có 4 cổ đông là các pháp nhân: Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) góp 59% vốn điều lệ; Công ty CP Hóa dầu quân đội (Mipec) góp 30% vốn điều lệ; Công đoàn Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển) góp 6% vốn điều lệ. Số còn lại là của Công ty CP Bất động sản hóa dầu quân đội (Mipecland).

Thông tin về kết quả kinh doanh của “ông lớn” này trong suốt nhiều năm cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao.

Theo đó, báo lãi trước thuế ở mức 846 tỉ đồng vào năm 2019. Sang năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 148,9 tỉ đồng. Năm 2022, con số lợi nhuận trước thuế được ghi nhận là 448 tỉ đồng.

Tìm hiểu cho thấy, lợi nhuận trước thuế của năm 2023 đạt 112 tỷ đồng. Lý do việc sụt giảm của các năm so với năm 2019 được đánh giá là thị trường hàng không chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid 19 dẫn đến tình trạng chậm thanh toán của đối tác. Theo số liệu từ báo cáo tài chính có 2.619 tỷ đồng từ Hãng Vietjet Air là khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn.

Cổ phiếu PLX tăng bốc đầu do đâu?

Thị giá hiện tại của PLX đã vượt qua vùng đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái và là mức giá cao nhất trong vòng 9 ...

Biến động cổ phiếu PLX trước khi bước vào mùa cổ tức

Đà tăng giá bất ngờ của PLX diễn ra ngay trước thềm doanh nghiệp xăng dầu này trả cổ tức năm 2023.

Bảo hiểm Petrolimex (PGI) mạnh tay thoái vốn tại VIPCO (VIP)

Ngay sau thương vụ thoái vốn, Bảo hiểm Petrolimex (PGI) giảm sở hữu tại VIPCO (VIP) xuống dưới 5%, ghi nhận không còn là cổ ...

Thanh Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục