Thị trường xuất khẩu dệt may đang ấm dần Doanh nghiệp dệt may tiếp tục ứng phó với đơn hàng nhỏ và khó |
Thị trường có dấu hiệu tốt
Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kinh tế Mỹ đang có những tiến bộ nhất định, GDP trong quý 2 tăng 2,1%, chỉ số sản xuất PMI vẫn duy trì trên 50, lạm phát toàn phần giảm về 3,7%/năm trong tháng 9/2023.
Quan trọng, sau thời kỳ kiềm chế mua sắm khiến giá quần áo giảm sâu, thậm chí có sản phẩm rơi vào giá đáy, tháng 7,8,9 lượng hàng bán ra khá lớn, tồn kho đã giảm mạnh so với dự báo. Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng cùng những thị trường có xu hướng hồi phục.
Thị trường Mỹ sẽ “cứu cánh” cho xuất khẩu dệt may năm 2024? |
“Đặc biệt, Mỹ và Việt Nam mới đạt thỏa thuận nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện, tiêu thụ hàng hóa tại thị trường này dự báo sẽ khởi sắc hơn”, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định.
Với những tín hiệu tích cực trên, năm 2024 doanh nghiệp dệt may được khuyến cáo cần tận dụng, tập trung cho việc tìm kiếm khách hàng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao tại thị trường Mỹ. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 10%, đồng thời giữ được thị phần ở các thị trường khác.
Để làm được điều này, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần lưu ý chọn đúng điểm rơi để làm kế hoạch, bình tĩnh đánh giá thị trường. Theo dõi sát trong 1-2 tháng tới về phản ứng của doanh nghiệp Mỹ chuyển biến ra sao sau khi hai nước chính thức nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện để sớm có kế hoạch hành động.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Trước những tín hiệu sáng của thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10- CTCP, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng.
Hiện, một số tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có Walmart đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường. Cùng với đó, cơ hội thúc đẩy đầu tư và xây dựng chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong bối cảnh hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các nhà nhập khẩu Mỹ.
Dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc, đa dạng chuỗi cung ứng và đặc biệt coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực. Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong đó có dệt may
“Những cơ hội này thúc đẩy doanh nghiệp dệt may phải sớm đầu tư công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ xanh, số hóa để giảm giá thành sản xuất, nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng; phát huy lợi thế của đội ngũ công nhân tay nghề cao có thể tạo ra các sản phẩm có chất lượng bậc trung trở lên để cạnh tranh, nhất là thâm nhập vào các thị trường ngách tại Mỹ”, bà Phương Thảo cho hay.
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng- CTCP- Đậu Phi Quyết cũng nhận định, thị trường Mỹ nổi tiếng có yêu cầu cao, hàng hóa ở Mỹ, dù là sản xuất trong nước hay được gia công ở nước ngoài, đều được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng. Văn hóa tiêu dùng của Người Mỹ là chỉ sử dụng hàng hóa biết rõ xuất xứ, nhãn hiệu và an toàn khi sử dụng. Vì vậy, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Mỹ, cần hiểu rõ các tiêu chuẩn về hàng hóa, về xuất xứ phù hợp với thị trường Mỹ; đảm bảo phải đáp ứng được những tiêu chuẩn thiết yếu về kiểu mẫu, hình dáng và kích thước; kỹ thuật sản xuất; cách ghi nhãn, đóng gói, bao bì, vận tải và bảo quản hàng hóa; truy xuất nguồn gốc…
Ông Phi Quyết cũng cho hay, riêng đối với dòng sản phẩm đặc thù của Việt Thắng là sợi, vải được coi là nguyên liệu cho sản xuất, muốn đưa được vào thị trường Mỹ cần thông qua khâu sản xuất tại một nước khác hoặc ngay tại Mỹ. Để làm được điều này, Việt Thắng cũng cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn đối với nhóm vải, sợi.
Sau khi có đủ các điều kiện cần, Việt Thắng sẽ tiếp cận với các nhãn hàng thời trang, các công ty may xuất khẩu Mỹ để giới thiệu về năng lực và khả năng đáp ứng cho thị trường Mỹ, chứng minh cho họ thấy được ưu điểm, thế mạnh của mình để có thể trở thành một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường này.
Theo các chuyên gia, bên cạnh tín hiệu sáng từ thị trường Mỹ, năm 2014 còn một số điểm thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may khởi sắc hơn. Trong đó, giá cược vận tải biển tiếp tục giảm, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam vẫn diễn ra.
Do vậy, thời gian tới các doanh nghiệp dệt may trong nước được khuyến cáo, với ngành may cần tính toán giảm tỷ lệ sản phẩm giá rẻ (khoảng 20%), thay đổi kết cấu loại hàng, đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng, đảm bảo công nhân lành nghề có thu nhập tương xứng, hướng đến đích tăng doanh thu và lợi nhuận trên đầu người…
Ngành sợi cần tính toán hiệu suất từ sử dụng nguyên liệu, chi phí điện, vốn lưu động; rà soát và thoát khỏi câu chuyện phải tăng trưởng chiều rộng, phải tối đa sản lượng hàng hoá phổ thông mà mục tiêu chính phải là tăng trưởng hiệu quả, cải thiện sức mạnh doanh nghiệp sau 1 năm khó khăn.
Hải Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|