Thị trường lo ngại về xung đột Nga-Ukraine nhưng thép, dầu khí, phân bón lại hưởng lợi

(Banker.vn) Chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường đang phải đối mặt nhiều rủi ro bất định trong ngắn hạn do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra. Tuy nhiên, những ngành thép, dầu khí, phân bón lại được hưởng lợi.

Trong tuần từ ngày 28/2-4/3, với tâm lí tiêu cực do xung đột Nga-Ukraine, thị trường tiếp tục sụt giảm do lo ngại lệnh trừng phạt lên Nga sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã làm chỉ số VN-INDEX sụt giảm 10,6 điểm về mức 1.488,3 điểm trong 3 phiên đầu tuần. Mặc dù vậy, VN-INDEX đã có sự hồi phục trong phiên thứ cuối tuần nhờ những nhóm ngành được hưởng lợi từ sự kiện trên như thép, phân bón, dầu khí và đóng cửa tại 1.505,33 điểm. Bên cạnh đó, HNX-INDEX và UPCOM-INDEX lần lượt tăng 2,4% và 0,6% lên mức 450,6 và 113,3 điểm.

Thanh khoản có sự cải thiện với giao dịch bình quân trên cả 3 sàn tăng nhẹ 2,6% lên mức 33.410 tỷ đồng/phiên. Điểm tiêu cực là khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị bán ròng đạt 786,6 tỷ đồng. Trên sàn HNX-INDEX, bán ròng của khối ngoại giảm xuống còn 18,2 tỷ đồng và trên sàn UPCOM-INDEX mua ròng tăng lên đạt 94,4 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT, trong tuần trước thị trường chứng kiến áp lực bán gia tăng đối với nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc nhóm Ngân hàng, Cụ thể, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh tuần vừa qua và tạo ra áp lực giảm điểm lớn cho thị trường, có thể kể đến như CTG (-3,3%), BID (-2,8%), MBB (-3,5%), TCB (-1,5%) và HDB (-4,3%). Không chỉ vậy, nhóm bất động sản cũng không tránh được tâm lí tiêu cực khi KBC, PHR, SZC đều điều chỉnh lần lượt là 2,6%/0,5%/1,1%. Với việc chiến sự nổ ra cùng với những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga đã có tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hóa cơ bản trên thế giới.

Một số nhóm ngành trên thị trường được nhận định là hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa như dầu khí, thép, phân bón đã chứng kiến một tuần giao dịch tích cực. Cụ thể, với dự báo giá dầu sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong ngắn hạn do xung đột, cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng điểm tuần qua, nổi bật là PVT (+12,8%), PVD (+2,6%), PXS (+9,9%). Ngoài ra, với việc Nga là nhà sản xuất khẩu lớn trong lĩnh vực sản xuất thép và phân bón, lệnh trừng phạt lên Nga khiến nguồn cung những mặt hàng này có thể bị gián đoạn trong thời gian tới, do đó nhiều nhận định cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam trong hai ngành này có thể được hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu gia tăng và giá bán tăng cao. Cụ thể, HPG, HSG, NKG thuộc ngành thép đều đã tăng lần lượt 8,5%/13,8%/18,0% và DPM, DCM thuộc ngành phân bón cũng tăng lần lượt 11,9%/16,5% trong tuần qua.Trái lại, giá dầu tăng cùng với việc nhiều chuyến bay quốc tế có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm không phận đã gây ra phản ứng tiêu cực với ngành hàng không, kéo nhóm cổ phiếu ngành này sụt giảm như VJC (-3,9%), HVN (-1,9%).

Nhận định về thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh cho rằng thị trường vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất định trong ngắn hạn do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế mua đuổi giá cao ở thời điểm hiện tại, giữ tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu ở mức vừa phải (khoảng 60-70% cổ phiếu, còn lại là tiền mặt) và không sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại.

Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC cho rằng việc FED phát đi thông điệp về việc sẽ chỉ tăng lãi suất ở mức 25-50 điểm phần trăm đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm tích cực. Tuy nhiên, thị trường vẫn phải đối mặt với các rủi ro đang hiện hữu ở phía trước khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có khả năng kéo dài. Áp lực lạm phát tăng cao sẽ khiến cho FED có thể tăng thêm số lần điều chỉnh lãi suất trong năm nay, đồng thời thu hẹp khoảng thời gian giữa các lần tăng lãi suất. Cuộc họp chính sách tiền tệ của FOMC diễn ra vào trung tuần tháng 3 vẫn sẽ là cột mốc đáng chú ý. Thị trường nhiều khả năng sẽ đi vào giai đoạn biến động mạnh và khó lường trong khoảng thời gian từ nay cho đến khi FED chính thức tăng lãi suất. Với quan điểm thận trọng, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ vị thế tiền mặt và chưa vội thực hiện giải ngân giai đoạn này.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục