Giá dầu tăng liên tiếp, nhóm năng lượng khởi sắc
Kết thúc ngày giao dịch 19/3, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất hơn 4 tháng khi thị trường tiếp tục đánh giá rủi ro địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,72% lên 82,73 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,56% lên 87,38 USD/thùng.
Cả hai loại giá chuẩn này đều đạt mức cao nhất trong 4 tháng trong phiên trước đó, do xuất khẩu dầu thô từ Ả Rập Saudi và Iraq giảm và các dấu hiệu về nhu cầu và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc và Mỹ.
Về phía Nga, lo ngại về nguồn cung xuất phát từ xuất khẩu tăng sau các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này tiếp tục gây áp lực giảm giá.
Các nhà phân tích của JP Morgan cho rằng, các cuộc tấn công có thể sẽ làm giảm sản lượng dầu thô của Nga lên tới 300 kbd (nghìn thùng mỗi ngày), bên cạnh việc đóng cửa bảo trì theo lịch trình... Tuy nhiên, lượng vận chuyển sơ cấp thấp hơn sẽ dẫn đến xuất khẩu dầu thô cao hơn, giúp Nga đồng thời đạt được việc cắt giảm sản lượng, trong khi vẫn giữ xuất khẩu ổn định. Nga sẽ tăng xuất khẩu dầu qua các cảng phía Tây trong tháng 3 thêm gần 200.000 thùng/ngày (bpd) so với kế hoạch hàng tháng là 2,15 triệu thùng/ngày.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm 1,5 triệu thùng, trái ngược với dự báo tăng 10.000 thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm 1,6 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 1,4 triệu thùng của thị trường, có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ đà tăng hiện tại của giá dầu.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng hơn 2% lên mức cao nhất trong 1 tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm cao hơn trong hai tuần tới so với dự kiến trước đó. LSEG cho biết sản lượng khí đốt tại 48 tiểu bang của Mỹ hiện đã giảm xuống mức trung bình 101,34 tỷ feet khối/ngày (bcfd), từ mức 103,98 bcfd hồi đầu tháng 3. LSEG dự báo nhu cầu khí đốt ở 48 tiểu bang, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 114,7 bcfd trong tuần này lên 115,0 bcfd vào tuần tới.
Đồng USD tăng giá gây áp lực lên nhóm kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, có 8 trong tổng số 10 mặt hàng nhóm kim loại đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 0,51% xuống còn 25,13 USD/ounce. Bạch kim giảm mạnh 1,88% xuống còn 901,1 USD/ounce, đánh mất tới 4,3% chỉ trong hai phiên vừa qua.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm lần đầu tiên sau 17 năm vào ngày hôm qua 19/3. Tuy nhiên, các phát biểu sau đó của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản lại cho thấy các dấu hiệu tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Thống đốc BOJ cho rằng, lãi suất huy động và lãi suất cho vay dự kiến sẽ không tăng sau quyết định ngày hôm nay. Nếu cần thiết, BOJ sẽ xem xét một loạt các lựa chọn nới lỏng chính sách, bao gồm cả các công cụ đã được sử dụng trong quá khứ. Thông điệp này đã khiến đồng Yên suy yếu, củng cố cho sức mạnh đồng USD và từ đó, tạo sức ép cho giá kim loại quý như bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ.
Ngoài ra, các thị trường tài chính hiện đang xem xét khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm số lần cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm nay từ 3 lần xuống 2 lần do dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến vào tuần trước. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Thị trường kim loại cơ bản có diễn biến trái chiều trong ngày giao dịch hôm qua, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Trong đó, đồng COMEX chốt phiên giảm 1,36% giá trị xuống 4,07 USD/pound. Bên cạnh áp lực từ đồng USD, những dữ liệu phán ánh thị trường bất động sản yếu kém của Trung Quốc đã tạo áp lực lên giá đồng.
Nhóm hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chìm trong sắc đỏ
Kết thúc ngày giao dịch 19/3, có đến 7/9 mặt hàng nhóm nguyên liệu giảm giá. Trong đó, giá đường 11 dẫn đầu đà giảm với 2,35% nhờ số liệu xuất khẩu tích cực từ Brazil. Theo công ty hậu cần CLI, lượng đường xuất khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ tăng hơn 1 triệu tấn trong năm nay lên tới 9,5 triệu tấn. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới, điều này góp phần hỗ trợ nguồn cung đường nới lỏng hơn trong thời gian tới và tạo sức ép lên giá.
Giá Arabica đảo chiều hồi phục 0,72%, lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm trước và giá Robusta tăng thêm 0,33% so với mốc tham chiếu. Tỷ giá USD/BRL suy yếu đã lấn át đà hồi phục của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US, từ đó hỗ trợ của giá Arabica tăng. Cụ thể, đồng Real của Brazil tăng mạnh hơn đã kéo tỷ giá USD/BRL đi xuống trong khung giờ cà phê đang giao dịch. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Với Robusta, lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn khó có thể được xoá bỏ khi triển vọng nguồn cung vụ mới tại Việt Nam đang đối mặt với khô nóng đỉnh điểm. Hơn thế, công ty Marex Group dự báo, thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu trong niên vụ 24/25 là 2,7 triệu bao, chủ yếu đến từ sự sụt giảm sản lượng tại nước ta.
Giá bông đánh mất 1,3% trước áp lực kép từ đà tăng của dữ liệu tồn kho cũng như đồng USD mạnh lên. Theo báo cáo tồn kho từ Sở ICE-US, tính đến ngày 18/3, lượng bông lưu trữ được bổ sung 2.500 kiện so với phiên cuối tuần trước, lên mức 36.857 kiện. Thêm vào đó, đồng USD tăng 0,23% khiến giá bông Mỹ kém thu hút hơn hơn đối với khách hàng nắm giữ loại tiền tệ khác. Chi phí tăng đã thúc đẩy lực bán chiếm ưu thế trên thị trường.
Giá dầu cọ suy yếu 0,91% khi thị trường phản ứng với triển vọng nguồn cung tích cực tại Malaysia. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ ở Bán đảo Nam (SPPOMA), sản lượng tại nước này trong 15 ngày đầu tháng 3 tăng 38,8% so với cùng kỳ tháng trước.
Nông sản biến động trái chiều
Mối lo ngại về triển vọng nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc đã tác động “bearish” và khiến giá đậu tương đóng cửa trong sắc đỏ. Nhiều nguồn tin cho biết, Trung Quốc mới đây đã phê duyệt 3 giống đậu tương biến đổi gen, mở rộng danh sách phê duyệt nhằm mục đích tăng cường phát triển và trồng các loại cây trồng năng suất cao. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho quốc gia mua hàng đậu tương số 1 thế giới này có thể gia tăng năng lực sản xuất hạt có dầu trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.
Giá khô đậu lấy lại sắc xanh sau hai phiên giảm giá liên tiếp, với mức tăng nhẹ 0,6%. Trong khi đó, dầu đậu tiếp tục là mặt hàng giảm mạnh nhất cả nhóm trong phiên vừa rồi. Giá lao dốc tới 1,15% vào hôm qua, khi mà mặt hàng này chịu ảnh hưởng gián tiếp từ đà suy yếu của giá dầu thô.
Đối với ngô, giá tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ. Theo dự báo mới nhất, tình hình thời tiết tại phần lớn Brazil vẫn đang khá ổn định nhưng một số khu vực như Parana, Mato Grosso do Sul, Paraguay và các vùng lân cận đang khá khô hạn. Mặc dù việc gieo trồng đã gần như hoàn thành, tuy nhiên, thời tiết khô nóng hơn trong tháng 3 tại các khu vực này có thể khiến cây trồng chịu tác động tiêu cực. Điều này khiến thị trường xuất hiện những lo ngại nhất định về tình hình nguồn cung tại Brazil, mang đến lực mua đối với giá.
Trong khi đó, lúa mì đã ghi nhận mức tăng mạnh gần 2% vào hôm qua. Lực mua đã được thúc đẩy khi những lo ngại về nguồn cung từ khu vực biển Đen vẫn bao trùm thị trường.
Financial Times dẫn những nguồn thạo tin cho biết, Ủy ban châu Âu dự kiến trong những ngày tới sẽ triển khai sẽ áp thuế 95 euro/tấn đối với ngũ cốc từ Nga và Belarus, nhằm xoa dịu nông dân và một số quốc gia thành viên. Điều này sẽ hạn chế sự phủ sóng của nguồn cung giá rẻ từ Nga trên thị trường. Thông tin trên cùng những lo ngại về tình hình chiến sự leo thang tại biển Đen đã thúc đẩy lực mua trên thị trường vào hôm qua.
Thị trường hàng hóa hôm nay 18/3: Nhiều hàng hóa nguyên liệu tăng giá mạnh Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (11 - 15/3), thị trường hàng ... |
Thị trường hàng hóa ngày 19/3: Sắc xanh chiếm ưu thế, nhóm năng lượng áp đảo Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa, ... |
Phòng vệ thương mại: Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị điều tra Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, ... |
Anh Vũ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|