Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 24/8/2023: Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tiếp tục tăng

(Banker.vn) Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023, giá dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tăng.
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 22/8/2023: Giá dầu, giá ngô quay đầu giảm; giá đồng và giá sắt tăng Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 23/8/2023: Quặng sắt tăng mạnh, nhóm đậu tương dẫn dắt đà giảm

Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 23/8, dầu thô ghi nhận phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp trước các tín hiệu bù đắp tích cực hơn về phía nguồn cung, trong khi bức tranh vĩ mô tại một số quốc gia tiêu thụ lớn khá yếu. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,94% xuống 78,89 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên ở mức 82,84 USD/thùng, giảm 1,02% so với phiên trước đó.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 24/8/2023: Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tăng
Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tăng

Sản lượng dầu thô của Iran sẽ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 9, theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran được truyền thông nhà nước dẫn lời, mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn được áp dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ bổ sung khoảng 0,6 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các quan chức Mỹ đang soạn thảo một đề xuất nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela, cho phép nhiều công ty và quốc gia hơn nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, nếu quốc gia Nam Mỹ này tiến tới một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng hơn.

Việc Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela nếu nước này nỗ lực khôi phục nền dân chủ, sẽ mở ra cơ hội cho việc gia tăng nguồn cung dầu. Những người mua dầu thô ở châu Âu và các khu vực khác sẽ được tiếp tục nhập khẩu dầu của Venezuela một cách có tổ chức và có cấu trúc, làm giảm tính cạnh tranh trong môi trường nguồn cung thắt chặt. Các yếu tố này đã tiếp tục tạo sức ép lên giá dầu.

Thêm vào kỳ vọng tăng cường nguồn cung dầu toàn cầu, các nhà phân tích cho biết mặc dù giai đoạn bảo trì cát dầu và việc cháy rừng đầu mùa hè đã làm giảm sản lượng dầu thô của Canada trong quý II, nhưng các công ty dầu mỏ tại quốc gia này vẫn đang nỗ lực gia tăng sản lượng với ước tính 8% trong 2 năm tới, tương đương khoảng 375.000 thùng/ngày.

Đà giảm của giá dầu chỉ chững lại trong phiên hôm qua sau báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/08, giảm nhiều hơn so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) với mức giảm 2,4 triệu thùng khi hoạt động lọc dầu đạt mức cao nhất năm 2020. Lượng lọc dầu của các nhà máy đã tăng 30.000 thùng/ngày trong tuần trước lên 16,78 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Giá dầu bật tăng ngay sau báo cáo, nhưng việc tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đồng loạt tăng trong tuần trước lần lượt 1,5 và gần 1 triệu thùng, trong khi thước đo nhu cầu là tổng sản phẩm được cung cấp giảm nhẹ 500.000 thùng/ngày cho thấy mức tiêu thụ chững lại, đã ngăn cản giá đảo chiều.

Hơn nữa, lo ngại về bối cảnh vĩ mô tại một số nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn cũng gây sức ép cho giá dầu.

Nhật Bản báo cáo hoạt động nhà máy bị thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8. Hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro cũng sụt giảm nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là ở Đức. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp sơ bộ của EU tháng 08/2023 do S&P Global khảo sát đạt mức 47 điểm, thấp hơn dự báo và tháng trước. Trong khi đó, các nhà phân tích từ Reuters cho biết tăng trưởng kinh tế Anh có thể sẽ suy giảm trong quý hiện tại, có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Hoạt động kinh doanh của Mỹ cũng tiến đến điểm trì trệ trong tháng 8. S&P Global cho biết chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống mức 50,4 trong tháng 8 từ mức 52 trong tháng 7, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất dưới ngưỡng 50 tháng thứ 4 liên tiếp, đạt 47 điểm, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy.

Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại

Đóng cửa ngày 23/8, thị trường kim loại ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc khi tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 4,02% lên 24,39 USD/ounce. Đây cũng là phiên đánh dấu mức tăng mạnh nhất của giá bạc trong vòng 6 tuần. Giá bạch kim lấy lại mốc 900 USD/ounce khi tăng 1,37% lên 938,2 USD/ounce. MXV cho biết, sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho dòng tiền quay trở lại thị trường kim loại quý.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 24/8/2023: Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tăng
Bảng giá kim loại

Dữ liệu của S&P Global công bố hôm qua cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại trong tháng 8, do nhu cầu không đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất sơ bộ của Mỹ chỉ đạt 47 điểm trong tháng 8, thấp hơn 2,3 điểm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ số PMI dịch vụ chỉ đạt 51 điểm trong tháng 8, không đạt được mức 52,3 điểm theo kỳ vọng của giới phân tích và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023.

Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu suy yếu do bị đè nặng bởi áp lực lãi suất cao. Nền kinh tế hạ nhiệt đồng nghĩa với áp lực lạm phát giảm bớt, điều này làm gia tăng kỳ vọng về chính sách mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng USD suy yếu ngay sau khi dữ liệu PMI được công bố, với chỉ số Dollar Index giảm 0,14% xuống 103,42 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 13 điểm cơ bản từ mức cao nhất trong gần 16 năm đạt được trong phiên trước.

Đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lợi, từ đó hỗ trợ cho giá.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 1,37% lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần, do được hỗ trợ kép bởi sự suy yếu của đồng USD và triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong mùa xây dựng cao điểm giai đoạn cuối năm của Trung Quốc.

Hơn nữa, lĩnh vực sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng tăng trưởng tốt tại Trung Quốc cũng là yếu tố giúp củng cố sức mua trên thị trường đồng.

Trên thị trường quặng sắt, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp khi tăng 2,32% lên 113,23 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng dần tăng lên khi Trung Quốc đang chuyển sang những tháng vàng cho hoạt động xây dựng. Điều này có thể giúp nâng cao tốc độ hoạt động tại các lò cao và thu hẹp kho dự trữ quặng sắt trong thời gian tới. Trong khi đó, tồn kho quặng sắt của Trung Quốc đang ở mức thấp có thể thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong thời gian tới. Tính đến tuần kết thúc ngày 18/08, tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc chỉ còn 11,7 triệu tấn, giảm 14,5% so với mức 13,4 triệu tấn trong tuần đầu tiên của năm nay.

Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép tăng cao tại Nhật Bản, quốc gia sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá quặng sắt duy trì được đà tăng.

Cụ thể, Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho biết sản lượng thép thô của Nhật Bản đạt 7,39 triệu tấn trong tháng 7, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,8% so với tháng 6. Đây là lần tăng lần đầu tiên sau 19 tháng nhờ sự phục hồi trong hoạt động sản xuất ô tô.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự báo rằng sản lượng thép thô của Nhật Bản sẽ tăng 2,2% trong quý III so với một năm trước đó, nhờ sản xuất ô tô tăng trưởng tốt hơn và xuất khẩu cao hơn.

Thị trường nông sản hồi phục mạnh do lo ngại về nguồn cung

Lấy lại đà khởi sắc sau hai phiên đóng cửa trong sắc đỏ, ngô đã bật tăng hơn 2,2% trong ngày hôm qua, đồng thời ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Kết quả ngày thứ hai của chuyến khảo sát mùa vụ quan trọng hàng năm tại Midwest, khu vực sản xuất trọng điểm của Mỹ, là yếu tố chính thúc đẩy giá.

Cụ thể, đơn vị khảo sát Pro Farmer dự báo năng suất ngô tại Indiana sẽ đạt 180,89 giạ/mẫu, thấp hơn mức 183,72 giạ/mẫu trung bình 3 năm. Tại bang Nebraska, các chuyên gia cho biết cây ngô chịu ảnh nghiêm trọng của hạn hán duy trì kể từ khi ngô bắt đầu được trồng. Theo đó, năng suất ngô tại bang này dự kiến sẽ chỉ đạt 167,22 giạ/mẫu, thấp hơn nhiều so với mức 172,01 giạ/mẫu trung bình 3 năm. Có thể thấy, triển vọng năng suất ngô ở hai bang, thường chiếm 20% sản lượng ngô Mỹ hàng năm, tương đối kém khả quan. Điều này dẫn đến lo ngại về mùa vụ ngô năm nay của Mỹ, từ hỗ trợ ngô Chicago tăng giá.

Trong khi đó, khu vực Biển Đen tiếp tục xuất hiện các diễn biến tiêu cực. Các cảng khu vực phía nam Odesa và sông Danube, tuyến đường vận chuyển ngũ cốc trọng điểm của Ukraine chịu ảnh hưởng mạnh từ xung đột Nga, Ukraine; dẫn đến việc các kho lưu trữ ngũ cốc bị cháy và đổ nát nghiêm trọng. Động thái mới của Nga một lần nữa làm dấy lo ngại về triển vọng nguồn cung tại khu vực biển Đen, đồng thời hỗ trợ giá ngô và lúa mì trong ngàyhôm qua. Nối dài đà tăng từ ngày trước đó, giá lúa mì đóng cửa tăng mạnh gần 1,8%.

Giá bông đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/08, sắc xanh trở lại áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.

Giá bông đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong tuần này với mức tăng gần 2% so với tham chiếu trong phiên hôm qua. Sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 2 tháng, chỉ số Dollar Index quay đầu suy yếu giúp kích thích lực mua trên thị trường.

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 24/8/2023: Dầu thô suy yếu 3 ngày liên tiếp, giá bông tăng
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Hơn nữa, thị trường tiếp tục có xu hướng lo ngại về sản lượng bông tại Mỹ do nắng nóng kéo dài tại vùng sản xuất chính có thể gây tác động xấu lên cây bông.

Giá đường 11 cũng chứng kiến phiên tăng ấn tượng khi đóng cửa giá cao hơn khoảng 2% so với tham chiếu. Thông tin Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường sau 7 năm, bắt đầu từ tháng 10 tới đây khiến thị trường gia tăng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2023/24.

Trước đó, thị trường cũng đứng trước lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu khi các hãng phân tích lớn đều dự đoán cán cung cung – cầu đường niên vụ 2023/24 sẽ thâm hụt do sự sụt giảm sản lượng tại các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan...

Bảo Ngân

Theo: Báo Công Thương