Thị trường hàng hóa hôm nay 9/9: Giá dầu vẫn khởi sắc, kim loại công nghiệp nhuộm đỏ

(Banker.vn) Thị trường hàng hóa trong ngày hôm qua không giữ được sắc xanh ở nhóm nông sản, đặc biệt là kim loại gặp áp lực bán mạnh. Chiều ngược lại, giá dầu thô vẫn giữ mức tăng gần 1%, hay giá cao su tăng mạnh gần 2%.

Một số thông tin đáng chú ý trên thị trường hàng hóa

Dầu thô: Giá dầu thô vẫn giữ sắc xanh chủ yếu do lo ngại nguồn cung dầu thô toàn cầu thắt chặt. Lý do này lấn át lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.

- Theo Reuters, chênh lệch giữa giá dầu Urals và dầu Brent đã thu hẹp từ mức đỉnh 34,85 USD (trong giai đoạn tháng 4-6/2022) về mức 17 USD/thùng, khi Nga cố gắng kết nối hậu cần và thanh toán với các nước nhập khẩu ngoài châu Âu như Trung Quốc và Ấn Độ.

- Nga đang vận chuyển lô hàng dầu thô đầu tiên của mình tới Brazil, khi nước này tìm cách đa dạng hóa danh sách người mua, vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Cụ thể, Tập đoàn Lukoil của Nga đang đưa 80.000 tấn dầu thô Varandey (dầu ngọt nhẹ của Nga) bằng tàu chở dầu Stratos Aurora từ cảng Murmansk đến bến Madre de Deus (Brazil), do Transpetro, một công ty con của Petrobras điều hành. Brazil hiện là một phần của liên minh khối BRICS, bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ.

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/9: Giá dầu vẫn khởi sắc, kim loại công nghiệp nhuộm đỏ

Nông sản:

- Ukraine đã bắt đầu thu hoạch vụ ngô của năm nay với năng suất trung bình ước chừng 3 tấn/ha. Tính tới ngày 7/9, khoảng gần 34 triệu tấn ngũ cốc được thu hoạch, bao gồm hơn 22 triệu tấn lúa mì. Ước tính trong năm nay, quốc gia này có thể sản xuất hơn 56 triệu tấn ngũ cốc, tăng nhẹ so với năm ngoái.

- Giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng vào thứ Sáu, trong khi giá đậu tương chạm mức thấp nhất trong 2 tuần. Các nhà phân tích cho biết nhu cầu mua đậu tương của Mỹ ở các khu vực khác đang suy yếu, trong khi nguồn cung ở Nam Mỹ dự báo dồi dào. Vì vậy, các thương nhân đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về vụ thu hoạch đậu tương sắp tới của Mỹ. Ngoài ra, Sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires cũng dự báo vụ đậu tương 2023/24 của Argentina đạt 50 triệu tấn, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Các nhà môi giới cho biết, Trung Quốc gần đây đã thu mua đậu nành Brazil giao hàng tháng 10 và tháng 11, gây áp lực lên thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm qua cho biết, các nhà máy mới bán 121.000 tấn đậu nành Mỹ cho Trung Quốc. Doanh số xuất khẩu đậu tương hàng tuần của Mỹ niên vụ 2023/24 đạt 1,78 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 31/8, vẫn trong khoảng ước tính 1,4 - 2 triệu tấn.

Đường: Giá đường hôm qua đã giảm hơn 1% chủ yếu do chốt lời phiên cuối tuần.

Cà phê: Giá cà phê Arabica chạm mức thấp nhất trong 2 tuần trong phiên hôm qua. Áp lực thu hoạch đang đè nặng lên giá cà phê khi Brazil sắp kết thúc mùa vụ. Vụ thu hoạch đã thúc đẩy một số hoạt động bán cà phê trên thị trường giao ngay, khi nông dân trồng cà phê ở Brazil bán lượng cà phê tồn kho hiện tại của họ để nhường chỗ cho cà phê mới thu hoạch.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil, nước này đã xuất khẩu hơn 479.000 bao cà phê Arabica loại 60kg, cao hơn 20% so với tuần đầu tháng 8. Trong khi đó, tồn kho cà phê Arabica trên Sở ICE US ghi nhận 458.000 bao, giảm khoảng 9.500 bao so với hôm trước.

Gạo: Giá hợp đồng gạo tương lai giảm nhẹ sau khi đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng vào ngày 5/9, chủ yếu do USD đảo chiều mạnh lên cuối phiên và có báo cáo cho rằng người mua đang trì hoãn quyết định sau đợt tăng giá mạnh gần đây. Cụ thể, nhà sản xuất gạo hàng đầu - Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7, trong nỗ lực kiểm soát giá nội địa và nâng dự trữ nguồn cung trước khi có thể xảy ra El Nino, khiến một số người mua tăng mua gạo đồ và đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.

Bông: Giá bông kỳ hạn đón nhận mức tăng khi USD hạ nhiệt đầu phiên giao dịch và do một số lo ngại về nguồn cung từ các khu vực trồng trọt chính của Mỹ, nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong gần một tháng qua.

Kim loại:

- Giá vàng tăng nhẹ từ mức thấp nhất trong 10 ngày qua khi đồng USD rút lui khỏi mức cao nhất gần 6 tháng, trong khi dữ liệu kinh tế đáng lo ngại từ Nhật Bản và căng thẳng Mỹ - Trung có thể ngày càng tồi tệ cũng thúc đẩy một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng.

Cụ thể, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp hơn dự báo ban đầu do chi tiêu tiêu dùng suy yếu, làm dấy lên nhiều lo ngại về đà hồi phục kinh tế của nước này. GDP quý II của Nhật đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 1,2% so với số liệu sơ bộ giữa tháng 8 và thấp hơn 0,7% so với dự báo của các chuyên gia.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn có xu hướng giảm trong tuần khi chịu áp lực từ những lo ngại mới về lãi suất của Mỹ.

- Tháng 8, Ấn Độ sản xuất hơn 11 triệu tấn thép, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tiêu thụ tăng 9% lên hơn 10 triệu tấn. Tuy vậy nước này vẫn nhập khẩu khoảng 530.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.

Thị trường hàng hóa hôm nay 6/9: Thị trường cà phê trái chiều, giá đường cao nhất hơn 4 tháng

Thị trường hàng hóa biến động trái chiều trong phiên hôm qua, giá đường thô tăng mạnh và ghi nhận mức cao nhất hơn 4 ...

Thị trường hàng hóa hôm nay 7/9: Giá dầu thô và nông sản duy trì sắc xanh, ngược chiều kim loại

Sắc đỏ lan rộng hơn trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua khi đồng đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất 5 ...

Thị trường hàng hóa hôm nay 8/9: Nông sản, nguyên liệu công nghiệp giảm mạnh, giá dầu cũng đảo chiều

Sự phục hồi của USD Index lên mức cao nhất gần 6 tháng đã đè nặng lên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán