Thị trường hàng hóa hôm nay 21/9: Giá dầu hạ nhiệt sau quyết định của FED, nông sản và kim loại lấy lại sắc xanh

(Banker.vn) Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm nay, sắc xanh lan tỏa ở nhóm nông sản và kim loại. Tuy nhiên, nhóm nguyên liệu công nghiệp với tiêu biểu là đường và cà phê giảm đáng kể. Tương tự, giá dầu đảo chiều giảm gần 1% sau cuộc họp lãi suất của Fed.
Thị trường hàng hóa hôm nay 21/9:

Một số thông tin tác động đến thị trường hàng hóa

Kinh tế vĩ mô:

- Rạng sáng hôm nay 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhưng củng cố lập trường diều hâu. Cơ quan này dự kiến nâng lãi suất lên cao hơn vào cuối năm nay và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới năm 2024.

Cụ thể, Fed giữ nguyên lãi suất trong khoảng 5,25 – 5,5%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn duy trì quan điểm lãi suất qua đêm sẽ đạt đỉnh lên tới 5,5 – 5,75%, cao hơn 25 điểm cơ bản so với hiện tại. Con số này sẽ giảm xuống 5,1% vào năm 2024 và 3,9% vào cuối 2025.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo duy trì ổn định ở mức trung bình 3,8% trong năm nay và tăng lên 4,1% vào cuối năm, cho thấy niềm tin của các nhà hoạch định chính sách về việc ngăn chặn lạm phát mà không gây ra tình trạng mất việc đáng kể. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội dự kiến ở mức 2,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với 1% đã dự báo hồi tháng 6.

- Chỉ số đô la (USD Index) phục hồi cuối phiên (0,19%) lên 105,03 sau mức giảm ban đầu. Đồng đô la mở cửa với mức giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc yếu hơn và do sức mạnh của thị trường chứng khoán đã hạn chế thanh khoản đối với đồng đô la.

Dầu thô:

- Giá dầu thô và xăng WTI kỳ hạn tháng 10 hôm qua đã từ bỏ mức tăng ban đầu và ghi nhận mức giảm nhẹ sau khi Cục Dự trữ Liên bang nâng ước tính lãi suất vào năm tới, điều này giúp đồng đô la phục hồi và có thể khiến tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu năng lượng hạ nhiệt. Trước đó, giá dầu thô trong phiên hôm qua ban đầu tăng cao hơn do đồng đô la suy yếu và báo cáo tồn kho EIA hàng tuần giảm mạnh.

- Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lương Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại tuần kết thúc ngày 15/9 giảm mạnh trong khi tiêu thụ xăng hồi phục. Cụ thể, dự trữ dầu thô thương mại Mỹ (không gồm dự trữ chiến lược) giảm 2,1 triệu thùng về mức 418,5 triệu thùng; tồn kho xăng giảm mạnh 0,8 triệu thùng về 219,5 triệu thùng.

- Tháng 8, sản lượng dầu thô của Iraq tăng mạnh khi các mỏ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) gia tăng sản lượng. Cụ thể, sản lượng dầu toàn quốc đạt trung bình 4,7 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 4,5 triệu thùng trong tháng 7. Mức tăng này đến từ việc các mỏ dầu ở Kurdistan tăng cường sản xuất và bán vào thị trường nội địa.

- Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak cho biết, Nga có kế hoạch sản xuất 527 triệu tấn dầu vào năm 2023, thấp hơn so với 535 triệu tấn năm nay; sản lượng khí đốt khoảng 624 tỷ mét khối (BCM), theo hãng thông tấn TASS.

Nông sản:

- Tháng 8, Trung Quốc nập khẩu hơn 9 tấn đậu tương từ Brazil, chiếm hơn 90% tổng nhập khẩu đậu tương của nước này và tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Mức lũy kế 8 tháng lên tới gần 48 triệu tấn và cao hơn 17% cùng kỳ.

Cà phê:

- Giá cà phê hôm qua giảm nhẹ. Giá cà phê Arabica chịu áp lực sau khi Conab, cơ quan dự báo vụ mùa của Brazil, nâng ước tính sản lượng cà phê Arabica năm 2023 của Brazil lên 38,2 triệu bao so với dự báo hồi tháng 5 là 37,9 triệu bao. Giá cà phê Robusta hạ nhiệt sau thông tin, tồn kho cà phê Robusta trên sở ICE giám sát tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần là 4.172 lô.

- Tại Brazil, nhiều khu vực sản xuất cà phê được dự báo nhiệt độ có thể vượt 40 độ C và không có mưa cho tới cuối tháng. Điều này có thể tác động tiêu cực đến cây cà phê nở hoa sớm, làm giảm năng suất cho vụ mùa sau. Arabica đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ trên 33 độ C khi vào giai đoạn ra hoa.

Kim loại:

- Theo Đơn vị Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ISCG), thị trường đồng tinh chế toàn cầu thâm hụt 19.000 tấn trong tháng 7/2023, so với mức thâm hụt 72.000 tấn trong tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm, thị trường đồng thặng dư 215.000 tấn, thấp hơn so với mức 254.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, sản lượng đồng tinh chế toàn cầu vào tháng 7 ghi nhận 2,3 triệu tấn, tiêu thụ đạt 2,32 triệu tấn.

- Theo Viện Nhôm Quốc tế (IAI), sản lượng nhôm sơ cấp toàn cầu tháng 8 ghi nhận hơn 6 triệu tấn, cao hơn không đáng kể so với tháng 7 và tăng 1,6% so với cùng kỳ.

- Theo Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng quặng sắt tháng 8 của nước này ghi nhận 86,33 triệu tấn, tăng tương ứng 0,7% so với tháng 7 và 1,3% so với cùng kỳ. Con số 8 tháng nâng lên mức 659,1 triệu tấn, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường hàng hóa hôm nay 20/9: Giằng co khi số liệu kinh tế Mỹ suy yếu, giá dầu đảo chiều giảm

Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, các nhóm hàng diễn ra sự phân hóa dù các mức tăng giảm không quá nhiều, ...

Xuất khẩu đường của Ấn Độ mùa vụ 2023/24 có thể giảm một nửa

Ngành đường Ấn Độ có thể ghi nhận sản lượng giảm trong niên vụ tới do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng tới ...

Ngành gỗ Việt Nam tìm thấy cơ hội mới

Nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ thường có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm. Đây được xem là cơ hội để ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán