Thị trường hàng hóa hôm nay 03/10: Nông sản khởi sắc, vàng chạm đáy gần 7 tháng và dầu thô giảm đáng kể

(Banker.vn) Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, sắc xanh lan tỏa ở nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Trong khi giá thiếc, bạc, bạch kim và đồng giảm sâu, giá dầu cũng hạ nhiệt khi đồng USD mạnh lên.

Một số thông tin tác động đến thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa hôm nay 03/10: Nông sản khởi sắc, vàng chạm đáy gần 7 tháng và dầu thô giảm đáng kể

Kinh tế vĩ mô:

- Theo báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của nước này trong tháng 9 đạt 49 điểm, cao hơn 47,7 theo dự báo của giới phân tích và 47,6 điểm của tháng 8. Tuy nhiên, đây là tháng 11 liên tiếp, chỉ số này ở dưới mốc 50. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ thu hẹp trong tháng 9 do nhu cầu suy yếu, tuy nhiên các chỉ số đã dần hồi phục trở lại, củng cố cho kịch bản hạ cánh mềm của Mỹ.

- Chỉ số quản lý mua hàng của Anh do S&P Global khảo sát trong tháng 9 đạt mức 44,3 điểm, cao hơn 0,1 điểm so với báo cáo sơ bộ, và cao hơn 43 điểm của tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số vẫn nằm dưới mức 50 điểm cho thấy sự thu hẹp và ở mức thấp nhất trong 14 năm gần đây.

- Chỉ số quản lý mua hàng PMI của khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 9 ghi nhận 43,4 điểm, thấp hơn tháng trước 0,1 điểm. Đây cũng là tháng 15 liên tiếp chỉ số này dưới mốc 50 do nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ngoại trừ PMI sản xuất của Hy Lạp đạt mức 50,3 điểm trong tháng 9. Tất cả các quốc gia trong khu vực khảo sát đều ghi nhận thu hẹp.

- Tương tự, chỉ số quản lý mua hàng của Đức tháng 9 ghi nhận 39,6 điểm, thấp hơn 0,2 điểm so với dự báo của giới phân tích nhưng tăng từ mức 39,1 điểm của tháng 8. Đây là mức cao nhất trong 3 tháng qua nhưng vẫn dưới mốc 50.

- Ngoài ra, PMI sản xuất tháng 9 của Trung Quốc đã tăng 0,5 lên mức cao nhất trong 6 tháng là 50,2, mạnh hơn kỳ vọng là 50,1.

Dầu thô

- Giá dầu tăng vào đầu phiên nhưng đảo chiều trong phiên tối khi đồng đô la mạnh lên. Giá dầu thô có thời điểm tăng vượt mức 91 USD/thùng do các nhà đầu tư tin rằng thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục thắt chặt trong thời gian còn lại của năm 2023, khi các nhà sản xuất lớn toàn cầu là Saudi Arabia và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng, cũng như sản lượng khu vực dầu đá phiến của Mỹ tăng chậm lại.

Ngoài ra, theo báo cáo từ Baker Hughes mới nhất, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã giảm thêm 5 giàn khoan nữa vào tuần trước xuống còn 502 giàn, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2022. Điều đó cho thấy rằng ngay cả khi giá dầu bắt đầu tiến đến gần mức giá 100 USD/thùng, các nhà sản xuất Mỹ không muốn tăng cường hoạt động trong bối cảnh lạm phát dầu vẫn ở mức cao. Dầu thô Brent cũng khởi sắc.

Cả hai loại dầu chuẩn này đều tăng khoảng 35% trong quý III do dự báo thiếu hụt nguồn cung dầu thô khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung bổ sung đến cuối năm. Một số nguồn tin nói rằng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng với Nga và các đồng minh khác, hay còn gọi là OPEC+, khó có thể điều chỉnh chính sách sản lượng dầu hiện tại của mình tại cuộc họp quan trọng vào thứ 4.

- Theo số liệu khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9. Sự gia tăng trong tháng 9 được dẫn đầu bởi Nigeria, quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng trộm cắp dầu thô và tình trạng bất ổn tại khu vực sản xuất dầu mỏ. Iran, quốc gia đang tăng cường nguồn cung bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng bơm nhiều hơn, với sản lượng đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.

- Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ bơm thêm nguồn cung dầu thô vào hệ thống trong tuần này, thông qua đường ống từ Iraq đã bị tạm dừng khoảng 6 tháng.

- Nhập khẩu dầu thô của châu Á giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 do các nhà máy lọc dầu bảo trì trong hai tháng nay và tác động của giá dầu tăng cao đè nặng chi phí. Theo dữ liệu của LSEG, khu vực tiêu thụ dầu số 1 đã nhập khẩu 24,95 triệu thùng/ngày trong tháng 9, giảm so với 25,22 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Đây là mức nhập khẩu hàng tháng cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023. Theo dữ liệu của LSEG, nhập khẩu trong tháng 8 và tháng 9 là hai tháng thấp nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023.

Cao su

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng phiên thứ hai liên tiếp khi đồng Yên suy yếu hơn đã hỗ trợ thị trường, mặc dù giao dịch trầm lắng do thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ Lễ. Đồng đô la ổn định vào thứ Hai nhưng vẫn ở gần mức đỉnh 10 tháng khi các nhà đầu tư dự đoán lãi suất của Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian tới, trong khi đồng yên trượt xuống mức 150 yên đổi một đô la và gần mức thấp nhất trong một năm.

Trong khi đó, những hạn chế về nguồn cung vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các nước sản xuất lớn, bao gồm Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Theo số liệu mới nhất, sản lượng cao su thiên nhiên của Malaysia trong tháng 7/2023 giảm 4,5% xuống 28.533 tấn so với tháng trước. Trong khi đó, ngành cao su nước này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hóa.

Vàng

Vàng đã kéo dài mức giảm phiên thứ 6 liên tiếp vào hôm qua, chạm đáy gần 7 tháng, do đồng đô la mạnh hơn và triển vọng lãi suất Mỹ cao hơn. Giá vàng giao ngay quốc tế đã giảm 0,8% về mức 1.835,40 USD/ounce.

Bạc

Giá bạc lùi về gần mốc 21 USD/ounce, mức thấp nhất trong 1,5 năm qua, trước áp lực về lãi suất sau khi Fed tạm dừng quan điểm diều hâu, và lo ngại về nhu cầu công nghiệp sau khi chỉ số PMI sản xuất Trung Quốc và Châu Âu suy yếu. Hiện nay, nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang số liệu thị trường lao động vào thứ 6 tuần này.

Đồng

Giá đồng phục hồi đáng kể từ mức thấp nhất 4 tháng vào ngày 27/9 nhưng sau đó đảo chiều giảm mạnh, trong bối cảnh đồng đô la lên giá và đặt cược về sự phục hồi của nhu cầu đồng ngắn hạn.

Báo cáo từ S&P Global và EIA dự báo, nhu cầu đồng sẽ tăng gấp đôi so với mức hiện tại vào năm 2035. Sản lượng đồng từ công ty khai thác Codelco (Chile) đã giảm 14% trong nửa đầu năm, kéo dài từ mức giảm 7% năm 2022.

Nhôm

Trung Quốc, nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới đã tạm dừng việc mở rộng công suất sản xuất vượt quá giới hạn 45 triệu tấn hiện tại, khi Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn tình trạng dư cung. Đồng thời, lệnh cấm xuất khẩu bauxite, loại quặng thương mại chính của nhôm, cũng gây rủi ro cho nguồn cung.

Diễn biến này được củng cố bằng việc lượng hàng tồn kho (có thể giao) giảm 13% so với tuần trước, tại Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải. Trong khi đó, những người tham gia thị trường báo hiệu rằng, nhu cầu ngày càng tăng về tấm pin mặt trời và xe điện ở Trung Quốc có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm trong việc sử dụng nhôm trong các công trình xây dựng, cho thấy hoạt động mua hàng sẽ phục hồi.

Thiếc

Giá thiếc kỳ hạn giảm xuống dưới mốc 24.000 USD/tấn trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 4, do thị trường tiếp tục cân nhắc về triển vọng hoạt động công nghiệp chậm lại ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, giá thiếc kỳ hạn nhìn chung không thay đổi từ đầu năm đến nay, khi nguồn cung chưa nới rộng.

Thị trường hàng hóa hôm nay 30/9: Giá lúa mỳ, ngô, đường đều giảm mạnh, kim loại công nghiệp tăng 2 phiên liên tiếp

Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, nhóm nông sản giảm mạnh, đại diện là lúa mỳ mất gần 4%. Tương tự, giá ...

Nhu cầu dầu và đồng của Trung Quốc đang “bùng nổ”

Sự gia tăng trên thị trường hàng hóa diễn ra bất chấp câu chuyện tăng trưởng kinh tế vĩ mô đang chững lại ở Trung ...

Tổng quan thị trường sắt thép toàn cầu cuối tháng 9/2023

Trong tháng 8, sản xuất thép thô toàn cầu ghi nhận 152,6 triệu tấn, cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán