Thị trường dầu tuần qua: Giá dầu kết thúc tuần biến động

(Banker.vn) Giá xăng dầu trải nghiệm tuần giảm giá với dầu Brent giảm 1,8%, dầu WTI giảm 2,5%.
Hoạt động vận tải ở Biển Đỏ giảm 30%; giá dầu diesel tăng vọt Giá dầu thế giới vẫn chưa hết biến động Vì sao giá dầu không tăng bất chấp nỗ lực của OPEC+ và căng thẳng ở Trung Đông?

Những sự kiện nổi bật trên thị trường dầu tuần qua

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô. Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc mới đây cho thấy, nhập khẩu dầu thô của nước này đã tăng 5,1% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu nhiên liệu tăng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước. Tuy nhiên, tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu lại ghi nhận sự sụt giảm, phản ánh một sự thận trọng trong chi tiêu của nước này giữa lúc thị trường toàn cầu biến động.

Theo Reuters, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã chứng kiến ​​lượng dầu tăng lên tổng cộng 10,74 triệu thùng/ngày trong hai tháng đầu năm 2024, so với khoảng 10,4 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 1-2/2023.

Nga tập trung vào việc cắt giảm sản lượng dầu. Nga mới đây thông báo sẽ tập trung vào việc cắt giảm sản lượng dầu thay vì hạn chế xuất khẩu trong đợt giảm nguồn cung tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) trong Quý II có thể là do công suất lọc dầu thấp hơn và việc thực thi nghiêm ngặt hơn các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của nước này.

Thi truong dau
Căng thẳng địa chính trị, tồn kho dầu thô vẫn là những yếu tố tác động mạnh đến giá dầu

Vào cuối năm ngoái, Nga cho biết sẽ giảm sâu xuất khẩu xuống 500.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024. Việc cắt giảm trong quý này bao gồm giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu thô và 200.000 thùng sản phẩm đã lọc mỗi ngày.

OPEC ​​sẽ giành lại thị phần tại Ấn Độ. Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết, OPEC dự kiến ​​sẽ giành lại thị phần của mình tại thị trường dầu Ấn Độ trong dài hạn, do khoảng cách ngắn mà dầu thô Trung Đông sẽ vận chuyển đến nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới.

Trong hai năm qua, Trung Đông đã mất rất nhiều thị phần trước đây ở Ấn Độ do lượng dầu thô giá rẻ kỷ lục của Nga nhập khẩu vào Ấn Độ đã làm suy yếu thị phần nguồn cung của OPEC đến mức thị phần của nhóm này trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ đã chạm mức thấp nhất trong ít nhất 22 năm.

Dầu thô kết thúc tuần biến động

Giá “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong hai phiên giao dịch đầu tuần, do thị trường hoài nghi về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 và tâm lý ưa thích rủi ro của các nhà đầu tư đi xuống, bất chấp sự hỗ trợ từ đồng USD yếu.

Đầu tuần (4-5/3) giá dầu thế giới giảm khi những cơn gió ngược về nhu cầu dầu cân bằng với việc nhóm sản xuất OPEC+ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện được đến giữa năm. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 78,6 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 82,75 USD/thùng.

Vào giữa tuần (6-7/3) giá dầu giảm ở đầu phiên sau đó quay đầu tăng nhẹ. Ngày 6/3, giá dầu thế giới giảm khi chịu áp lực từ việc Trung Quốc nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư giảm bất chấp sự hỗ trợ từ đồng USD yếu hơn. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 78,17 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 82,04 USD/thùng.

Đến ngày 7/3, dầu thô quay đầu tăng giá khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến. Trong bình luận mới nhất, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, ông vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong năm nay. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 79,03 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 82,84 USD/thùng.

Đến cuối tuần (8-10/3) giá dầu tiếp đà tăng ở đầu phiên và bất ngờ giảm ở cuối phiên. Ngày 8/3, giá dầu thế giới tăng nhẹ khi các thị trường cân nhắc dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc trước nguồn cung dầu ngày càng tăng từ Tây bán cầu. Mức cao nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 79,19 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 83,15 USD/thùng.

Đến ngày 9-10/3, dầu thô giảm giá khi các thị trường vẫn cảnh giác với nhu cầu dầu yếu của Trung Quốc ngay cả khi nhóm sản xuất OPEC+ gia hạn cắt giảm nguồn cung. Mức thấp nhất ghi nhận được giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 77,85 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 81,89 USD/thùng.

Thị trường toàn cầu tiếp tục biến động

Theo ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng tại Mizuho Securities USA, sự giảm sút trong nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc là một dấu hiệu không mấy khả quan đối với thị trường, bởi sự thiếu hụt nhu cầu từ quốc gia này không tạo nên sự chấn động nào lớn.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường dầu mỏ toàn cầu đang đối mặt với thách thức từ sự tăng trưởng nhu cầu chậm lại và nguồn cung dầu mỏ ngày càng tăng, đặc biệt là từ khu vực châu Mỹ, đồng thời ghi nhận sự tăng trữ lượng dầu ở Mỹ trong 6 tuần liên tiếp.

Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates, cũng bày tỏ quan ngại về áp lực giảm giá do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc và nguồn cung dồi dào từ Tây Bán cầu. Thêm vào đó, kỳ vọng về việc FED có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm nay đã làm tăng giá trị của đồng USD, từ đó gây áp lực lên giá dầu trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, tiêu thụ nhiên liệu ở Ấn Độ, một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2, phản ánh một xu hướng tích cực từ các nền kinh tế đang phát triển khác.

Chuyên gia John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết, một mùa Đông không lạnh trên khắp Bắc bán cầu đang gây áp lực lên giá dầu. Bên cạnh đó, cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn ở Gaza cũng đang tạo sức ép trên thị trường “vàng đen”

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính-Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 7/3. Theo đó, giá xăng dầu đều giảm với mức giảm sâu nhất là 372 đồng/lít đối với xăng RON 95-III. Giá dầu hỏa giảm ít nhất, 176 đồng/lít. Đáng chú ý là tại kỳ điều hành này, chỉ có giá dầu mazut tăng 174 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ dầu mazut chi 300 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11/3 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.512 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 23.557 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.471 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.609 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.133 đồng/kg.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương