Thị trường dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 do dư nguồn cung

(Banker.vn) Thị trường dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp do lo ngại về thặng dư nguồn cung toàn cầu.
IEA: Thị trường dầu mỏ được nới lỏng do nguồn cung tăng Nga tiếp tục cắt giảm xuất khẩu dầu thô Vì sao Brazil gia nhập OPEC+?

Thị trường dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 liên tiếp do lo ngại về thặng dư nguồn cung toàn cầu, mặc dù giá đã phục hồi vào ngày 7/12 sau khi Ả Rập Saudi và Nga kêu gọi thêm các thành viên OPEC+ tham gia cắt giảm sản lượng.

Dầu thô Brent có kỳ hạn tăng 1,54 USD, tương đương 2,1%, lên 75,59 USD/thùng vào lúc 07:04 GMT, trong khi giá dầu thô WTI tăng 1,39 USD, tương đương 2%, lên 70,73 USD/thùng.

Giá của cả hai loại đều trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 trong phiên giao dịch trước, một tín hiệu cho thấy các nhà giao dịch tin rằng thị trường đang dư cung. Brent và WTI cũng nằm trong tình trạng “bù hoãn mua”, một cấu trúc thị trường trong đó giá giao ngay của hợp đồng cơ sở thấp hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai.

Các nhà phân tích từ Haitong Futures cho biết: “Một số người bán khống đã dừng giao dịch của họ vì thị trường dầu được cho là đã bán quá mức. Trong khi đó, giá dầu lao dốc buộc OPEC+ phải tăng cường sự đoàn kết từ các nước liên minh để xoa dịu thị trường”.

Ả Rập Saudi và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hôm thứ Năm vừa rồi đã kêu gọi tất cả các thành viên OPEC + tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu, chỉ vài ngày sau cuộc họp gay gắt của các nhà sản xuất.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng tổng cộng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler cho biết: “Bất chấp cam kết của các thành viên OPEC+, chúng tôi thấy tổng sản lượng từ các nước OPEC+ chỉ giảm 350.000 thùng/ngày từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 (38,23 triệu thùng/ngày xuống 37,92 triệu thùng/ngày)".

Thị trường dầu hướng tới tuần giảm thứ 7 do dư nguồn cung
Nhà máy lọc dầu của Marathon Petroleum (Ảnh: Reuters)

Katona cho biết thêm, một số quốc gia OPEC+ có thể không tuân thủ các cam kết của họ do hạn ngạch cơ bản không rõ ràng và sự phụ thuộc vào nguồn thu từ hydrocarbon.

Giá dầu thô Brent và WTI tương lai đang trên đà giảm lần lượt 4,2% và 4,5% trong tuần, mức giảm lớn nhất trong 5 tuần. Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc và sản lượng dầu ngày càng tăng của Mỹ cũng khiến thị trường đi xuống trong tuần này.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, mức nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 giảm 9% so với một năm trước do tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập làm suy yếu nhu cầu.

Tại Ấn Độ, tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 11 đã giảm sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng vào tháng trước, do việc đi lại ở quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới giảm do hoạt động lễ hội giảm dần.

Tại Mỹ, sản lượng vẫn gần mức cao kỷ lục hơn 13 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 6/12. Thị trường cũng đang tìm kiếm các tín hiệu chính sách tiền tệ từ báo cáo việc làm hàng tháng chính thức của Hoa Kỳ sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay.

Dữ liệu dự kiến ​​cho thấy, tăng trưởng việc làm tăng trong tháng 11 và tiền lương tăng vừa phải sẽ củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã hoàn tất việc tăng lãi suất trong chu kỳ này.

Quốc Việt

Theo: Báo Công Thương