Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dư địa lớn, tiềm năng rộng mở

(Banker.vn) Sau một thời gian dài trải qua những biến động, tăng, giảm đan xen do sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, dù còn nhiều thách thức nhưng nếu xét về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng và tiềm năng phát triển lớn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dư địa lớn, tiềm năng rộng mở

Nỗ lực ổn định kinh tế

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,8 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022 và đặc biệt có sức tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực Asean. Sau thời gian dài suy giảm, trầm lắng, sự hồi phục của thị trường chứng khoán có được trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại, là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ thông qua các chính sách kinh tế quyết liệt, tập trung giải quyết những “nút thắt”, thúc đẩy tăng trưởng.

Tiêu biểu là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý vững chắc, góp phần giải quyết áp lực và nghĩa vụ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng.

Tương tự, Nghị quyết số 33/NQ-CP Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cũng tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư, giúp khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Với khối lượng lớn vốn đầu tư công, ước tính hơn 700.000 tỷ đồng được đưa vào kế hoạch phát triển của năm 2023, hoạt động giải ngân đầu tư công đã “phả cơn gió lành” đến nhiều nhóm cổ phiếu và mang đến những dấu hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, với 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể so với mức đỉnh trong giai đoạn tháng 12/2022 - 3/2023, và kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Việc hạ lãi suất huy động cũng được kỳ vọng giam lãi suất cho vay góp phần giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp.

Đây cũng là tin vui đối với các doanh nghiệp, bởi lẽ, lãi suất điều hành giảm sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay “hạ nhiệt”, hỗ trợ doanh nghiệp giảm một phần chi phí tài chính, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn, từ đó phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mới đây, tại kỳ họp Quốc hội kết thúc mới đây, Quốc hội Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là thực hiện giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng.

Có thể nói, chính sách tiền tệ phối "ăn ý" với chính sách tài khóa cùng với những chính sách kinh tế vĩ mô khác đang dần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, kích thích nhu cầu của nền kinh tế. Đây là những chính sách đồng bộ, kịp thời được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Thị trường chứng khoán - cơ hội của doanh nghiệp

Thông thường, độ trễ của chính sách được giới chuyên gia định lượng từ 3 đến 6 tháng, nếu các biến số bên ngoài không thay đổi quá đột ngột.

Chẳng hạn, để chính sách hạ lãi suất có thể phát huy tối đa hiệu quả, sẽ cần thêm thời gian và các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp sẽ cần sự kiên nhẫn hơn. Đó là động lực để họ vững tin vượt qua giai đoạn cam go hiện tại, khi dòng tiền là một vấn đề nan giải, gây sức ép không nhỏ lên “bộ đệm vốn” đã và đang quá “mỏng manh” sau khoảng thời gian bị “bào mòn” bởi đại dịch, lạm phát…

Giai đoạn hiện tại được một số chuyên gia kinh tế đánh giá rằng là cơ hội cho các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị. Trong đó việc đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh với tầm nhìn dài hạn thông qua gọi vốn trên thị trường chứng khoán là định hướng quan trọng.

Thị trường chứng khoán đã và đang tiếp tục là cơ hội của các doanh nghiệp. Khi tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể tiếp cận kênh huy động vốn trung và dài hạn một cách nhanh chóng từ việc phát hành cổ phiếu nếu đáp ứng đủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Dòng vốn này có đặc tính không mất chi phí trả lãi vay, cũng như phải trả vốn gốc như trong hình thức vay nợ, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động phục vụ cho mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn.

Cùng với đó, việc niêm yết sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính thanh khoản, tăng uy tín, nâng cao vị thế, độ tin cậy và mở rộng phạm vi chấp nhận làm vật thế chấp và dễ dàng được sử dụng phục vụ các mục đích về tài chính khác.

Rất nhiều lợi ích đến từ việc niêm yết và đăng ký giao dịch lên sàn, song phần lớn doanh nghiệp lại tự bỏ lỡ cơ hội chủ động “cứu thân” vì không vượt qua nỗi những “rào cản” tâm lý vô hình cố hữu như “sợ” minh bạch hóa, “ngần ngại” trước khả năng bị chia sẻ quyền lực, hoặc “lười” tái cấu trúc, cơ cấu hoạt động, chuẩn hóa nghiệp vụ…

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, dư địa rộng mở

Chỉ số VN-Index tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2023 giúp quy mô vốn hóa thị trường tăng lên. Tính đến hết tháng 6, vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt 5,78 triệu tỷ đồng, cao hơn 11% so với thời điểm cuối năm 2022, tương đương gần 61% GDP.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Không thiếu những doanh nghiệp có thâm niên, sở hữu tiềm lực lớn vẫn chưa “mặn mà” với việc niêm yết trên sàn. Từ đó có thể thấy, lượng “hàng hóa” chất lượng tiềm năng trong tương lai còn khá lớn mà giới đầu tư kỳ vọng có thể lựa chọn để làm đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Tuy nhiên, câu chuyện làm sao để khích lệ, thu hút các doanh nghiệp đó lên sàn cần một giải pháp khuyến khích, hoặc những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ, như Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã phân tích trong bài viết trước.

Một điểm đáng chú ý nữa, đó là số lượng tài khoản của người dân tham gia thị trường chứng khoán còn thấp, cho dù các năm qua đã có “cuộc đổ bộ” từ nhóm nhà đầu tư “F0”. Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam là hơn 7,3 triệu tài khoản vẫn còn khiêm tốn so với một đất nước dân số vàng xấp xỉ 100 triệu dân như Việt Nam. Thời gian tới, thông qua việc truyền thông, nâng cao nhận thức của người Việt về lợi ích khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, chúng ta có thể kỳ vọng về một dòng vốn vô cùng lớn, sẵn sàng “chảy” vào thị trường, vào doanh nghiệp niêm yết.

Ngoài ra, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị, hoàn thiện và thực thi nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu thành công đưa thị trường chứng khoán từ “cận biên” lên “mới nổi” theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế, sức hấp dẫn sẽ cải thiện rất lớn. Đây cũng là một trong sáu mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Việc nâng hạng thị trường thị trường chứng khoán Việt Nam là nhiệm vụ cần sự đồng thuận và phối hợp triển khai không chỉ của riêng thị trường chứng khoán mà còn cả sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Việc thống nhất về quan điểm giữa các Bộ, ngành để triển khai hoặc sửa đổi quy định hiện hành nhằm tạo điều kiện cho công tác nâng hạng thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong các vấn đề còn vướng mắc để nâng hạng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thẩm quyền của mình đã và đang triển khai đồng thời các giải pháp tháo gỡ, đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ hai vấn đề trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn “thanh lọc”, dần loại bỏ những doanh nghiệp niêm yết kém chất lượng, thiếu minh bạch để trở nên hấp dẫn, đáng tin cậy hơn. Việc xử lý các hành vi sai phạm một cách quyết liệt, nghiêm khắc đang giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Về công tác giám sát, thanh kiểm tra trên TTCK, UBCKNN đã chỉ đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán theo tuyến giám sát, đẩy mạnh việc giám sát tuân thủ đối với các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch; giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán để có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng năm 2023, trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên, kết quả thanh kiểm tra, UBCKNN đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng; một số vụ việc xử phạt đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự

Bên cạnh sự minh bạch, tiêu chí liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài cũng là một vấn đề được các cơ quan hoạch định chính sách tập trung nghiên cứu, cải thiện, để thị trường Việt Nam có sự thông thoáng, bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo thông lệ quốc tế. Trên thực tế, các cơ quan quản lý đã nỗ lực xóa bỏ những rào cản trên, từ phương diện kỹ thuật, thủ tục đến các vấn đề mang tính chính sách và ghi nhận những kết quả khả quan.

Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bài bản, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần tăng tính hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Thời gian tới kỳ vọng thị trường sẽ đón thêm nhiều doanh nghiệp lên niêm yết, đăng ký giao dịch, một mặt giúp doanh nghiệp huy động vốn, mặt khác cũng gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường.

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1)

LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ...

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán

Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn ...

Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá

"Thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng ...

Thách thức đến từ minh bạch hóa thông tin

Để hấp dẫn nhà đầu tư và có thể gọi được vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, ngoài hiệu quả kinh doanh ...

Vì sao nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng chưa mặn mà niêm yết?

Là trung tâm kinh tế năng động nhất miền Trung nhưng hiện tại, số DN tại Đà Nẵng lên sàn chứng khoán còn rất khiêm ...

Ông chủ lo mất quyền kiểm soát khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngoài sàn

Trở thành doanh nghiệp đại chúng, tiến tới niêm yết trên sàn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đa dạng hóa cơ cấu cổ ...

Thị trường chứng khoán biến động quá lớn, chưa tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp lên sàn

Chưa xác định mục tiêu huy động vốn trên thị trường, khó khăn kinh tế vĩ mô, ngại chia sẻ quyền lực, áp lực lớn ...

Muốn nâng hạng phải gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường niêm yết

Trải qua hơn 20 năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng (từ thị trường cận biên ...

Phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô để khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán

Sau khi đăng tải loạt bài: "Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn”, ...

Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán

Sau 16 năm niêm yết, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) từ một công ty chứng khoán thuộc hàng ngũ "tầm trung" đã ...

Tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, doanh nghiệp sẽ tích cực lên sàn

Lên sàn “được” nhiều hơn “mất” sẽ tạo ra nhu cầu tự thân cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường chứng khoán. ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục