Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin tích cực thông qua các quỹ ETF

(Banker.vn) Trong tháng 11/2022, 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường chứng khoán đã hút ròng hơn 7.400 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và xấp xỉ tổng giá trị hút ròng trong 3 quý đầu năm. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF đã lên đến hơn 17.000 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam vừa có giai đoạn hồi phục ấn tượng trong nửa cuối tháng 11 khi niềm tin nhà đầu tư dần trở lại, điều này đến sau những thông tin hỗ trợ từ cơ quan quản lý cũng như dòng vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ. Chỉ trong tháng 11/2022, khối ngoại đã mua ròng lên đến 15.900 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên cả 3 sàn, con số kỷ lục từ trước tới nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin tích cực thông qua các quỹ ETF
Trong tháng 11, riêng 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường đã hút ròng hơn 7.400 tỷ đồng. Hình minh họa

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital,... dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF cũng ghi nhận những con số kỷ lục.

Trong tháng 11, riêng 6 quỹ ETF lớn nhất thị trường đã hút ròng hơn 7.400 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và xấp xỉ tổng giá trị hút ròng trong 3 quý đầu năm. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF đã lên đến hơn 17.000 tỷ đồng .

Hầu hết các quỹ ETF đều hút tiền mạnh trong đó phong độ ấn tượng nhất vẫn là Fubon FTSE Vietnam ETF. Quỹ hút ròng kỷ lục 133 triệu USD (~3.150 tỷ đồng) trong tháng 11 qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào trong 11 tháng đầu năm lên hơn 463 triệu USD (~10.300 tỷ đồng). Fubon FTSE Vietnam ETF cũng là cái tên duy nhất không bị rút ròng trong bất kỳ tháng nào từ đầu năm 2022.

Fubon FTSE Vietnam bắt đầu rót vốn vào thị trường Việt Nam từ tháng 3/2021 và lấy chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index. Hiện tại quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đạt xấp xỉ 20 tỷ TWD, tương ứng hơn 15.900 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30.

Trong cơ cấu danh mục Fubon ETF tính đến cuối tháng 11, cổ phiếu VIC chiếm tỷ trọng lớn nhất với 13,09%, xếp tiếp theo lần lượt là VHM (11,1%), VNM (10,73%), MSN (10,72%), HPG (9,46%). Theo sau còn có VRE, VCB, SSI, VJC, NVL, SAB...

Theo cùng sự tăng trưởng về quy mô, lượng khách hàng của Fubon FTSE Vietnam ETF cũng bùng nổ. Tính đến tháng 10/2022, tổng số nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua quỹ Fubon đã tăng từ 10.643 tại thời điểm thành lập lên con số kỷ lục 125.564, tương ứng tăng 114.921, như vậy tốc độ tăng trưởng nhà đầu tư lên tới gần 12 lần chỉ sau chưa đầy 2 năm.

Trước đó, thị trường cũng xuất hiện thông tin quỹ Đài Loan này sắp gọi thêm 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty CP FIDT, ngày 23/11, quỹ Đài Loan Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Theo thông báo mới nhất, quỹ sẽ tiến hành gọi vốn từ ngày 29/11.

Nếu huy động thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đón nhận thêm nguồn vốn dồi dào từ khối ngoại. Tính từ đầu tháng 11/2022 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng hơn 17,5 ngàn tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh Fubon FTSE Vietnam ETF, bộ đôi Diamond ETF và VN30 ETF của Dragon Capital cũng đang hút tiền mạnh với động lực lớn đến từ các nhà đầu tư Thái Lan. Dòng vốn từ xứ sở Chùa Vàng liên tục gom mạnh chứng chỉ quỹ của Việt Nam qua kênh DR và đẩy dòng vốn qua 2 ETF này tăng cao trong 2 tháng vừa qua.

Trong tháng 11, Diamond ETF hút ròng hơn 1.950 tỷ đồng, chỉ thấp hơn con số kỷ lục hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5. Tính chung từ đầu năm, Diamond ETF này đã hút ròng hơn 6.000 tỷ đồng, xếp thứ 2 toàn thị trường chỉ sau Fubon ETF. Trong khi đó, VN30 ETF đang trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn liên tục bị rút ròng từ đầu năm. Quỹ đã có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm với giá trị gần 690 tỷ qua đó nâng tổng giá trị dòng tiền vào trong 2 tháng gần nhất lên gần 1.100 tỷ đồng.

Tương tự VN30 ETF, SSIAM VNFinLead ETF cũng vừa có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm. Trong tháng 11, quỹ đã hút ròng gần 470 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị dòng vốn vào lũy kế 11 tháng lên 919 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 ETF ngoại lâu năm trên thị trường là V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF cũng đang hút tiền trở lại sau giai đoạn liên tục bị rút ròng từ đầu năm.

Trong tháng 11, V.N.M ETF cũng có tháng hút tiền mạnh nhất từ đầu năm với giá trị 40 triệu USD (~946 tỷ đồng). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp quỹ hút ròng mạnh qua đó đưa dòng tiền vào từ đầu năm đảo chiều dương 18 tỷ đồng. Trong khi đó, FTSE Vietnam ETF đã hút ròng 576 tỷ đồng từ đầu năm. Riêng trong tháng vừa qua, dòng tiền qua ETF này dương 16 triệu USD (~380 tỷ đồng).

Thời điểm “vàng” để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Ông Yang Yining, nhà quản lý Fubon FTSE Vietnam ETF cho rằng, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9/2022 chủ yếu tới từ áp lực bán giải chấp cổ phiếu tại nhóm bất động sản, cộng thêm bối cảnh lãi suất điều hành tăng mạnh. Dù vậy, sau những động thái quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường, quỹ Fubon tự tin thị trường chứng khoán sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng hợp lý.

Fubon ETF đánh giá VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn.

“Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Yang Yining, nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nhấn mạnh.

Quỹ ngoại này bày tỏ quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam với yếu tố vĩ mô duy trì ổn định. CPI tháng 10 của Việt Nam công bố đạt 4,5%, cao hơn mục tiêu chính sách 4% của Chính phủ. Do đó, vẫn có khả năng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, tuy nhiên trong bối cảnh đồng USD bắt đầu hạ nhiệt và FED phát đi những tín hiệu về việc giảm cường độ tăng lãi suất của Mỹ, quỹ Fubon kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Fubon đánh giá, dòng vốn ngoại sẽ còn tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Vì sao khối ngoại chi tiền gom mạnh vào cổ phiếu?

Với việc các quỹ ngoại lỗ lớn vẫn rót tiền mạnh mẽ vào chứng khoán Việt Nam, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng, đây là điều dễ hiểu bởi khi thị trường giảm nhiều đã khiến hàng loạt cổ phiếu bị chiết khấu xuống mức định giá rẻ hơn.

Ông Hưng đánh giá, "Thỉnh thoảng các quỹ ngoại mua mạnh sẽ tạo ra động lực nhất định nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do tỷ trọng nhà đầu tư nước chưa cao nên muốn kéo dài cần có biến động của các yếu tố vĩ mô quan trọng hơn”.

Khối ngoại cũng sẽ có những thời điểm dừng mua theo chiến lược. Trước đây các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam nhưng một khi nhận thấy có lựa chọn tốt hơn thì đã rút vốn. Do đó, chuyên gia từ SSI nhấn mạnh nhà đầu tư nên quan tâm đến các yếu tố nội tại của thị trường. Yếu tố từ khối ngoại chỉ là một phần, không phải là tất cả đối với thị trường Việt Nam trong thời điểm này.

Ông Petri Deryng - nhà sáng lập quỹ PYN Elite - nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài xem thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào chứng khoán Việt Nam, nhất là khi nhìn vào triển vọng kinh tế 5 năm tới.

Cổ phiếu Việt Nam đang có mức định giá rất tốt khi so sánh với các thị trường lân cận khác. Chẳng hạn thị trường tại Philippines, Indonesia, Malaysia... có với mức giảm khoảng 10%, trong khi VN-Index mất đến 35% giá trị.

"Khối ngoại thấy rằng rất dễ dàng hưởng lợi từ khoảng chênh lệch đó và rồi lại lãi trong dài hạn nữa, giống như đang phát kẹo ngọt cho nhà đầu tư vậy", nhà quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam nhìn nhận.

Trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng sẽ là bước tiến lớn bởi nhiều quỹ đầu tư cho thị trường mới nổi chưa thể tham gia khi Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Việc nâng hạng cũng giúp thị trường mở rộng tập nhà đầu tư ngoại gấp 5-10 lần số lượng hiện tại. Vị chuyên gia nước ngoài còn nhận thấy việc nâng hạng giúp các doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa tiếp cận được tập nhà đầu tư tiềm năng hơn và như vậy sẽ có giá IPO lớn hơn.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục