Thị trường chứng khoán tháng 6: Khó kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán tháng 6 không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực, song nhà đầu tư vẫn nên thận trọng.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho thấy: Chỉ số VNIndex đã phục hồi khá nhanh sau khi giảm mạnh xuống ngưỡng 1.165 điểm trong tháng 5. Tháng 6, kỳ vọng sẽ không có nhiều phiên bán tháo tương tự diễn ra. VNIndex sẽ biến động trong vùng 1.240 – 1.350 điểm cho đến khi có thêm chất xúc tác để chỉ số xác định rõ xu hướng.

Thị trường chứng khoán tháng 6: Khó kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn

Trong tháng 4 và 5, thị trường trải qua nhiều phiên giảm điểm mạnh với mức giảm từ xấp xỉ 1,5 - 2% đến xấp xỉ 4,7 – 4,8%. Ngoài ra, tổng giá trị khớp lệnh tháng 5 đã giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Ngoại trừ tháng 2/2021 là tháng Tết cổ truyền, thì đây là tháng có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong 17 tháng qua trên sàn HSX.

Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đầu hè thường là thời gian thấp điểm của thị trường chứng khoán. Sau khi mùa đại hội đồng cổ đông kết thúc, thị trường gần như đi vào vùng trống thông tin cho đến khi các tin tức về kết quả lợi nhuận quý hai của doanh nghiệp được công bố. Đây là lý do mà tháng 5, tháng 6 thường là thời điểm không thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Xét về mặt thông tin, ở thời điểm hiện tại, chứng khoán Rồng Việt nhận thấy sự ảnh hưởng khá cân bằng giữa chiều thông tin tích cực và tiêu cực. Trong cán cân đó, nếu dòng tiền mới sẽ là trợ lực rất lớn cho chỉ số cũng như diễn biến thị trường.

Đáng chú ý, dự báo thị trường chứng khoán tháng 6 sẽ khó kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Với diễn biến phục hồi từ mức thấp của thị trường trong tháng 5, những nhà đầu tư kiên trì nắm giữ và tích lũy cổ phiếu theo khuyến nghị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt đã ít nhiều có được thành quả. Trên thực tế, đa số cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị nắm giữ của tháng trước đã ghi nhận đà phục hồi vượt trội so với VN Index (-5.4% MoM) như ANV (14.8%), FPT (4.7%), NT2 (4.2%), VHC (-1.2%) với những yếu tố hỗ trợ từ số liệu kết quả kinh doanh tích cực và dòng vốn ròng vào ETF VN Diamond (riêng đối với FPT).

Ở chiều ngược lại, dòng tiền tiếp tục suy giảm ở nhóm bất động sản và ngân hàng khiến cho chiến lược “bắt đáy” chưa có mức sinh lời như kỳ vọng.

Theo nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chắt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lương, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina. “Chúng tôi cho rằng yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó, trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6”, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt lưu ý.

Do đó, các đợt tăng bất ngờ trong tháng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ đòn bẩy hoặc duy trì tỷ lệ tiền mặt ở cao đối với nhà đầu tư thận trọng, để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.

Trong khi dòng tiền từ nhà đầu tư khó có khả năng cải thiện mạnh trong tháng 6 do tâm lý đầu tư vẫn còn khá thận trọng, chúng tôi kỳ vọng các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực.

Tại ngày 3/6/2022, mức định giá P/E năm 2022 của VN Index 13.9x, với tăng trưởng EPS dự phóng năm 2022 là 18%. Hơn nữa, việc VNĐ đang mạnh hơn so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan và Đài Loan cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ xu hướng hút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này. Việc tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF có lẽ là lựa chọn không tệ trong ngắn hạn. Rồng Việt cho rằng, cơ hội tích lũy những cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ ETF vẫn còn khả thi trong tháng này.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương