Thị trường chứng khoán ngày 4/8/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Một cổ phiếu tăng “phi mã” 12 phiên liên tiếp; Cổ phiếu VIC bị bán ròng mạnh nhất với 214 tỷ đồng phiên 3/8; HAGL muốn dùng thặng dư để xóa lỗ lũy kế;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 4/8/2021.

Cổ phiếu VIC bị bán ròng mạnh nhất với 214 tỷ đồng phiên 3/8: Khối ngoại vẫn giao dịch theo chiều hướng tích cực khi mua vào 33,6 triệu cổ phiếu, trị giá 1.450 tỷ đồng, trong khi bán ra 25 triệu cổ phiếu, trị giá 1.279 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 8,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 171 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp, với giá trị giảm 46% so với phiên trước và đạt 160 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là hơn 8,1 triệu cổ phiếu. SSI vẫn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh với 122 tỷ đồng. MBB và STB được mua ròng lần lượt 91 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 214 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là CTG với 36 tỷ đồng.

Một cổ phiếu tăng “phi mã” 12 phiên liên tiếp: Đóng cửa ngày giao dịch 3/8, cổ phiếu PTL của Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí - Petroland (HoSE: PTL) tăng kịch lên mức 9.490 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh 350.000 đơn vị, đây là phiên thứ 12 liên tiếp cổ phiếu này tăng với biên độ trên 6%. Tổng mức tăng trên 110% sau hai tuần giao dịch. Thanh khoản cổ phiếu cũng nâng từ vài nghìn đơn vị lên hơn 100.000-200.000 cổ phiếu/phiên.

Không báo cáo dự kiến giao dịch, mẹ ruột Phó Tổng NTL bị xử phạt: Ngày 29/07, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Mai - mẹ ruột Phó Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) - ông Đinh Đức Tiệp về hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Theo đó, bà Mai đã mua vào 28.580 cp NTL vào ngày 05/06/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính bà Mai với số tiền 15 triệu đồng về vi phạm trên.

Lợi nhuận nửa đầu năm 2021 của HNX tăng 70%: Theo báo cáo tài chính bán niên 2021 vừa công bố, HNX ghi nhận tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức 550 tỷ đồng, tăng 63% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán chiếm 506 tỷ đồng, tăng 71%. Thanh khoản gia tăng ào ạt cùng dòng tiền nhà đầu tư mới tham gia thị trường giúp doanh thu HNX đi lên trong nửa đầu năm. Hơn nữa, do tình hình nghẽn lệnh trên HOSE, một số cổ phiếu đã tạm thời chuyển sang giao dịch trên HNX. Sau khi khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, HNX đem về 314 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 70% so cùng kỳ. Như vậy, giống như HOSE, HNX cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2021.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Mê Kông đã mua xong 16 triệu cổ phiếu VC3: Ông Kiều Xuân Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (Mã: VC3) thông báo đã mua xong 16.474.227 cổ phiếu VC3, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên gần 31,12 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 51%) – nắm cổ phần chi phối. Giao dịch thực hiện từ 7/7 đến 29/7/2021. Ông Kiều Xuân Nam đăng ký mua cổ phiếu VC3 trong bối cảnh cổ phiếu này tăng mạnh. VC3 bắt đầu tăng từ 2/4/2021 – đánh dấu bằng 3 phiên tăng trần liên tiếp. Trước đó VC3 đang giao dịch ổn định quanh vùng giá 16.800 đồng/cổ phiếu. Sau đó VC3 tiếp tục tăng trong tháng 7, hiện giao dịch quanh mức 20.800 đồng/cổ phiếu. Tạm tính bình quân khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu thì ông Kiều Xuân Nam đã chi khoảng 330 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên.

HAGL muốn dùng thặng dư để xóa lỗ lũy kế: HĐQT Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa thông qua 23/8 là ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về những nội dung sau: Sửa đổi điều lệ công ty để bổ sung các quy định về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên 2021 trực tuyến; lựa chọn công ty kiểm toán năm 2021; sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế và lấy ý kiến về quy chế hoạt động của HĐQT. Tính ngày 30/6, công ty có 3.264 tỷ đồng thặng dư cổ phần và 7.549 tỷ đồng lỗ lũy kế. Như vậy dù sử dụng hết nguồn thặng dư trên, công ty cũng vẫn còn khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.

Chi phí tăng vọt khiến lợi nhuận quý 2 của TAR lao dốc 46%: Kết thúc quý 2, doanh thu thuần của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 792 tỷ đồng. Song giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của Công ty tăng 7%, lên hơn 68 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 7,1% lên 8,6%. Tuy nhiên, hoạt động tài chính của Công ty tăng lỗ từ 16 tỷ đồng lên gần 19 tỷ đồng do doanh thu không đáng kể nhưng chi phí lãi vay tăng 18%, lên gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng gấp 3,1 lần cùng kỳ, lên gần 30 tỷ đồng chủ yếu do chi phí dịch thuê ngoài gấp 2,4 lần, lên gần 31 tỷ đồng. Như vậy với doanh thu giảm cộng thêm gánh nặng từ chi phí lãi vay và bán hàng khiến lợi nhuận ròng của TAR giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 16 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận hơn 1.229 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 67%, còn gần 20 tỷ đồng.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán