Thị trường chứng khoán ngày 27/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Ngân hàng dẫn sóng, NVB đảo chiều như tàu lượn; EVNGENCO3 (PGV) “khai xuân” sàn HoSE; Vì đâu cổ phiếu LPB 'nổi sóng'?... là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 27/1/2022.

Vì đâu cổ phiếu LPB 'nổi sóng'? Ngày 24/01/2022, VNPost cho biết sẽ bán đấu giá hơn 122 triệu cp LPB, tương đương 10,15% vốn tại Ngân hàng. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23/02 tới đây tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm được công bố là 28.930 đồng/cp, cao hơn thị giá của LPB gần 35% tại thời điểm có thông báo của VNPost. Số tiền tối thiểu VNPost có thể thu về là hơn 3.534 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công. Ngay sau thông báo của VNPost, cổ phiếu LPB có 2 phiên tăng trần liên tiếp, lên 24.600 đồng/cp trong phiên 26/01/2022.

Ngân hàng dẫn sóng, NVB đảo chiều như tàu lượn: Cổ phiếu ngân hàng thể hiện vai trò dẫn dắt ngay từ đầu phiên 26/1. Tuy nhiên, dòng tiền phân hoá rõ rệt về cuối phiên với áp lực chốt lời dâng cao tại nhóm ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu khiến thị trường duy trì trạng thái "xanh vỏ đỏ lòng". Kết phiên, ngân hàng đóng góp 0,2% vào đà tăng chung của VN-Index. Mặc dù thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức thấp, giá trị giao dịch ngành ngân hàng lại tăng mạnh 15,6% lên 8.328 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế "quán quân" thanh khoản. Điểm sáng nhất trên thị trường là cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng kịch trần phiên thứ hai liên tiếp, hiện giao dịch tại 24.600 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ phiếu NVB từ một mã tăng mạnh nhất trong phiên sáng, có lúc xuất hiện sắc tím thì sang buổi chiều bất ngờ giảm mạnh trong phiên ATC. Hiện mã này dẫn đầu danh sách giảm giá toàn ngành ngân hàng với tỷ lệ giảm 6% tại thị giá 30.000 đồng/cp.

Hơn 1 tỷ cổ phiếu VCB được niêm yết bổ sung: Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa cho biết 1,02 tỷ cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ được niêm yết bổ sung kể từ ngày 26/1/2022. Tổng số cổ phần VCB niêm yết sẽ tăng từ khoảng 3,71 tỷ lên 4,73 tỷ đơn vị, xếp thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam, sau hai ngân hàng quốc doanh khác là BIDV (Mã: BID) và VietinBank (Mã: CTG). Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước tính đạt mức kế hoạch mà Ngân hàng Nhà nước và đại hội cổ đông giao, tức là không dưới 25.585 tỷ đồng. Vietcombank là một trong số ít các nhà băng có lợi nhuận một năm vượt ngưỡng 1 tỷ USD…

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 365 tỷ đồng trong phiên 26/1: Khối ngoại vẫn duy trì được giao dịch tích cực khi mua vào 61,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.444 tỷ đồng, trong khi bán ra 47,2 triệu cổ phiếu, trị giá 2.080 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 14,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 365 tỷ đồng. Tại sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 319 tỷ đồng, giảm 75% so với phiên trước, tương ứng khối lượng mua ròng là 13 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã CTG với 211 tỷ đồng. KBC và LPB được mua ròng lần lượt 135 tỷ đồng và 119 tỷ đồng. Trong khi đó, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 132 tỷ đồng. PLX đứng sau với giá trị bán ròng là 66 tỷ đồng. Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 13,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 476.534 cổ phiếu.

EVNGENCO3 (PGV) “khai xuân” sàn HoSE: Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên đối với 1.123.468.046 cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3). Cụ thể, ngày niêm yết cổ phiếu có hiệu lực là 29/12/2021. Ngày chính thức giao dịch 10/02/2022. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.480 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường xấp xỉ 44.354 tỷ đồng (1,95 tỷ USD). Với biên độ giao dịch +/-20%, giá cổ phiếu PGV sẽ dao động trong khoảng 31.590 - 47.370 đồng. PGV là cổ phiếu thứ 538 của sàn HoSE. EVNGENCO3 cũng là tân binh đầu tiên đánh cồng chào sàn sau Tết Nhâm Dần. Trước đó, Tổng công ty đã hủy đăng ký giao dịch 1.123.468.046 cổ phiếu PGV trên thị trường UPCoM kể từ ngày 24/1/2022.

Quỹ Chính phủ Singapore đã bán thoả thuận gần 33 triệu cổ phiếu Masan (MSN), thu về hơn 4.700 tỷ đồng: Ardolis Investment Pte. Ltd thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC) vừa báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN). Cụ thể, Ardolis Investment Pte. Ltd đã bán ra gần 33 triệu cổ phiếu MSN trong phiên 19/1/2022. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu quỹ này nắm giữ giảm từ hơn 65,9 triệu cổ phiếu, chiếm 5,58% xuống còn gần 33 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,79%. Như vậy, quỹ ngoại này chính thức không còn là cổ đông lớn tại Masan. Theo dữ liệu trên HoSE, trong phiên 19/1, thị trường đã ghi nhận giao dịch thỏa thuận trùng với số cổ phiếu trong giao dịch báo cáo trên, có giá trị gần 4.747 tỷ đồng. Như vậy, ước tính giá bình quân nhóm quỹ GIC bán MSN trong phiên giao dịch này vào khoảng 143.800 đồng/cổ phiếu.

Gỗ An Cường (ACG) ghi nhận lợi nhuận quý IV/2021 giảm 69,1%: Trong quý IV/2021, CTCP Gỗ An Cường (ACG - UPCoM) ghi nhận doanh thu đạt 657,49 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 68,07 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,3% và 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 24,4% về còn 21,2%... Được biết, cổ phiếu ACG chỉ vừa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ngày 4/8/2021. Kể từ 4/8/2021 đến 25/1/2022, cổ phiếu ACG giảm gần 17% từ 125.900 đồng về còn 104.700 đồng/cổ phiếu. Lũy kế trong năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.039,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 458,62 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,8% và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh chính của Công ty trong năm tài chính âm 56,2 tỷ đồng so với cùng kỳ dương tới 476 tỷ đồng. Công ty đã huy động dòng tiền tài chính dương 75,4 tỷ đồng để bù đắp thâm hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán