Thị trường chứng khoán ngày 26/10/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Một cổ phiếu tăng gấp 3 lần sau gần hai tuần; MSB đã phân phối xong 352,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức; Kinh Bắc lỗ hơn 59 tỷ đồng quý III vì chi phí lãi vay;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 26/10/2021.

Khối ngoại “xả” mạnh trên sàn HOSE, VJC, HPG bị bán mạnh nhất phiên 25/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng và tác động không tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, dòng vốn ngoại phiên này mua vào 27,2 triệu cổ phiếu, trị giá 1.054 tỷ đồng, trong khi bán ra 48,4 triệu cổ phiếu, trị giá 2.290 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 21 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.235 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 1.190 tỷ đồng, gấp 5,6 lần phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 20 triệu cổ phiếu. Như đây, khối ngoại sàn HoSE đã bán ròng 6 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 4.600 tỷ đồng. VJC bị khối ngoại bán ròng đột biến ở phiên này với 417 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. HPG và NLG vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 141 tỷ đồng và 116 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị SCIC bán vốn BVH, BMI và NTP trước 20/12: Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI) và Công ty cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP). Tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỡ trợ sắp xết và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước. SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 3,26% vốn; 55,44 triệu cổ phiếu Bảo Minh, tương đương 50,7% vốn và 43,7 triệu cổ phiếu NTP, tương đương 37% vốn. Xét theo giá thị trường, SCIC có thể thu về gần 6.500 tỷ đồng từ thoái toàn bộ vốn 3 doanh nghiệp trên.

Một cổ phiếu tăng gấp 3 lần sau gần hai tuần: Kết phiên 22/10, cổ phiếu NSL của CTCP Cấp nước Sơn La (UPCoM: NSL) giảm sàn về 18.000 đồng/cp, chấm dứt chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp gồm 8 phiên tăng trần. Riêng ngày 12/10, thị giá mã này tăng 40% với 100 cổ phiếu được khớp lệnh sau thời gian dài không có giao dịch nào được thực hiện. Sau gần hai tuần giao dịch, giá cổ phiếu NSL đã tăng gấp 3 lần. Thanh khoản bình quân 10 phiên gần nhất khoảng 1.000 cổ phiếu, riêng phiên 19 và 21/10 ghi nhận lượng khớp lệnh hơn 3.000 đơn vị. Những phiên khác, khối lượng giao dịch dao động quanh 100-400 đơn vị. Cấp nước Sơn La tiền thân là Xí nghiệp cấp nước trực thuộc Sở Xây dựng Sơn La, được thành lập năm 1963. Năm 2005, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần. Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ ở mức 100 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là Đầu tư và Kinh doanh Nước sạch Việt Nam với 40,78% cổ phần. Theo sau là UBND tỉnh Sơn La nắm giữ 12,42% vốn.

MSB đã phân phối xong 352,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức: UBCKNN vừa có văn bản chấp thuận kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 của MSB. Theo đó, Ngân hàng đã thực hiện phân phối xong 352,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông được hưởng quyền trả cổ tức theo danh sách đã chốt vào ngày 8/10/2021. Cũng theo công văn này, MSB sẽ sớm thực hiện các thủ tục để thay đổi giấy phép hoạt động của ngân hàng, đăng ký kinh doanh, đăng ký, lưu ký và niêm yết bổ sung số cổ phiếu này tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Đại hội đồng cổ đông MSB đã thông qua việc chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% để tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng. Trong tháng 9/2021, ngân hàng đã được các cơ quan quản lý chấp thuận đề nghị tăng vốn này và tiến hành chốt danh sách cổ đông để hưởng quyền chia cổ tức vào ngày 8/10/2021. Dự kiến, 352,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức sẽ được niêm yết bổ sung trong quý IV/2021.

Doanh nghiệp dược phẩm lớn thứ hai sàn chứng khoán sắp hủy niêm yết: UBCKNN vừa thông báo về việc hủy đăng ký công ty đại chúng của CTCP Pymerpharco (Mã: PME) sau khi cổ đông ngoại mua lại 99% vốn của doanh nghiệp. Từ cuối năm ngoái, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Pymepharco thông qua việc cổ đông lớn Stada Service Holding B.V (Đức) và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai. Song song đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) cũ cũng chính thức miễn nhiệm, thay thế là người từ phía Stada. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021 giảm từ 11 người còn 9 người. Trong năm nay, phía cổ đông đến từ Đức này đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu thông qua việc chào mua công khai cổ phiếu PME với giá chào mua 85.000 đồng/cp. Trong lần gần nhất vào tháng 8, Stada đăng ký mua cổ phần PME để tăng tỷ lệ nắm giữ từ 89,53% lên 90% vốn điều lệ.

Kinh Bắc lỗ hơn 59 tỷ đồng quý III vì chi phí lãi vay: Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần tăng 61%, đạt gần 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng 91% lên 166 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 57% xuống 49%. Chi phí tài chính tăng mạnh từ 76 tỷ lên 178 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (154 tỷ đồng) cùng với đó là phát sinh 13,6 tỷ đồng chi phí bán hàng. Theo đó, Kinh Bắc ghi nhận lỗ sau thuế 59,3 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 68,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gần 21 tỷ đồng. EPS tương ứng âm 146 đồng. Nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm, doanh thu thuần vẫn gấp hơn 3 lần lên 3.076 tỷ đồng sau 9 tháng. Lợi nhuận sau thuế công ty theo đó gấp 7,6 lần, đạt 733 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 46,6% doanh thu và 36,6% lợi nhuận.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán